Chỉ thị số 43-CT/TW - góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động
Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các cấp Hội Nhà báo địa phương đã và đang đưa vào kế hoạch nội dung tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, các đơn vị đều cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp Hội. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Vận dụng linh hoạt sáng tạo, có hiệu quả
Trong nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp Hội Nhà báo đã thường xuyên tổ chức, động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo, hội viên tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các cấp Hội đã chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách báo chí, củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên, đổi mới nội dung, hình thức Đặc san, Bản tin người làm báo. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ báo chí để nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên, nhà báo… qua đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Báo chí Cách mạng và Hội Nhà báo các cấp…
Với thực tiễn hoạt động thời gian qua tại địa phương, nhà báo Lê Trọng Lập - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang cho rằng: “Chỉ thị 43CT/TW cùng với Luật Báo chí và nội dung 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đây chính là 3 văn bản quan trọng của Đảng - Nhà nước - Hội Nhà báo Việt Nam tạo thế kiềng 3 chân. Là cây gậy chỉ đường soi rọi và là cơ sở vững chắc cho người làm báo ở Hà Giang yên tâm, tự tin, chủ động, sáng tạo trong quá trình làm báo của mình”.
Cùng với 3 văn bản trên, thời gian qua, Hội Nhà báo tỉnh cùng các cơ quan báo chí ở Hà Giang đã luôn chú trọng đưa yêu cầu nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống, sinh hoạt, quá trình làm báo của từng cán bộ, hội viên. Xác định chỉ ra những nội dung cụ thể cho việc học tập và làm theo Bác đối với nghề làm báo - đó chính là phương pháp và phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trung thực, bám sát thực tiễn, sự hiểu biết, ngắn gọn, dễ hiểu và phải là tiếng nói của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, của lẽ phải và thực sự là hơi thở cuộc sống đang diễn ra.
Nhà báo Lê Trọng Lập chia sẻ: Yếu tố quyết định ở đây là Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và thông qua hoạt động của chi hội, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan giúp cho anh chị em khi tác nghiệp tiếp xúc, làm việc với nhân dân, với các cơ quan đơn vị luôn giữ vững được cái tâm trong sáng của người làm báo.
Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Hội Nhà báo tỉnh đã xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với hội viên, phóng viên, nhà báo trong tỉnh. Tập trung phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình địa phương.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp hội, Hội Nhà báo tỉnh có chủ trương thực hiện chuyển đổi số. Hội Nhà báo tỉnh thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ số, tận dụng tất cả các nền tảng số để truyền thông. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong lãnh đạo, điều hành hoạt động trong toàn hệ thống Hội Nhà báo tỉnh, nhờ đó mọi thông tin chỉ đạo điều hành đều được thống nhất và kịp thời…
Tạo bứt phá để khẳng định vị thế của mình
Có thể nói, nhờ có Chỉ thị 43-CT/TW, các hoạt động Hội đã có bứt phá về nhiều mặt. Để Chỉ thị 43-CT/TW thực sự đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả nhất, các cấp ủy địa phương, chính quyền, các sở ngành có liên quan ở nhiều tỉnh thành đã tích cực chỉ đạo, quán triệt sâu sắc tinh thần nội dung Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Các đơn vị đã tích cực phối hợp các cơ quan báo chí và các cấp Hội để thực hiện đề án quy hoạch báo chí mà Chính phủ phê duyệt; chủ động cung cấp thông tin cho Hội Nhà báo tỉnh trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…
Tại tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới… Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch về tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Hội Nhà báo nhiệm vụ xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và hội viên với các nội dung trọng tâm như: bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo; giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tăng cường vai trò của Hội trong hoạt động tư vấn, phản biện giám sát xã hội và tham gia đóng góp xây dựng những chủ trương, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh...
Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Để thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW thì việc tổ chức và hoạt động của Hội phải luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND; Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đây là yếu tố hàng đầu để bảo đảm mọi thành công của tổ chức Hội Nhà báo địa phương.
“Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Thường trực Hội đoàn kết, nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc; mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều được bàn bạc dân chủ, công khai; thường xuyên gắn bó với cơ sở, các chi hội nhà báo và các cơ quan báo chí biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên. Đây là bài học quyết định thành công trong hoạt động của công tác Hội Nhà báo”, nhà báo Đoàn Minh Long chia sẻ.
Có thể nói, việc chủ động triển khai các hoạt động từ các cấp Hội, sự vào cuộc của các sở, ngành đã cho thấy sức lan tỏa và hiệu quả khi thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW. Không chỉ thúc đẩy đổi mới hoạt động ở các cấp Hội mà còn khuyến khích các chi hội, hội viên lao động, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng, tạo không khí thi đua sôi nổi cho người làm báo ở nhiều địa phương trong cả nước…