Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Một ngày trước buổi lễ trọng thể thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được thư của Bác Hồ, đó chính là Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Với văn phong ngắn gọn, giản dị nhưng hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, Chỉ thị có tính định hướng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội được cử hành trọng thể tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp trịnh trọng tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

 Hình ảnh mô phỏng Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Hình ảnh mô phỏng Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nêu rõ nhiệm vụ của Đội: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”

Chỉ thị của Bác cũng nêu rõ: “Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”.

Chỉ thị của Bác cũng nêu rõ cách đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác kết thúc bằng hai câu: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

 Lực lượng vũ trang Lào Cai duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2024. (Ảnh: Thành Phú)

Lực lượng vũ trang Lào Cai duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2024. (Ảnh: Thành Phú)

Những điều nêu trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ đạo như những lời tiên đoán về sự phát triển, trưởng thành của Quân đội ta sau này. Từ một đội quân ban đầu với 34 chiến sĩ đã vươn dậy nhưng sức mạnh “Thánh Gióng”, trở thành đội quân hùng mạnh, làm nòng cốt và cùng toàn dân đánh giặc, lập nên những chiến công vang dội. Đội quân ấy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Bác, của Đảng, của Nhân dân. Truyền thống ấy được lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đội kế thừa, tiếp nối, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”mà Nhân dân đã trao tặng cho Quân đội.

Báo Quân khu 2

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chi-thi-thanh-lap-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-post394576.html