Chi tiết nhiệm vụ, thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh

Từ 1-7-2025, VKSND cấp tỉnh sẽ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính... thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm...

VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư số 03/2025 quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND các cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Áp dụng đối với với VKSND Tối cao, đơn vị thuộc VKSND Tối cao; VKSND tỉnh, thành phố và VKSND khu vực; người có thẩm quyền tố tụng của các đơn vị này và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

VKSND cấp tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền:

1. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự theo quy định tại các Điều 7, 8 và 9 Thông tư số 02/2025 của Viện trưởng VKSND Tối cao quy định thẩm quyền của VKSND các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự.

2. Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những vụ, việc khác theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM (cũ) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM (cũ) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

3. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ việc, vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp huyện chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

4. Tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của VKSND khu vực mà VKSND cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 1-7-2025 nhưng chưa giải quyết xong.

5. Xử lý, giải quyết đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện mà trước ngày 1-7-2025 thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao.

6. Kiểm sát việc TAND cấp tỉnh giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định pháp luật.

7. Kiểm sát việc TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

8. Kiểm sát việc TAND cấp tỉnh giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của TAND cấp huyện, TAND khu vực; kiểm sát việc TAND cấp tỉnh giải quyết vụ việc phá sản mà quyết định của TAND cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại.

9. Kiểm sát việc TAND cấp tỉnh giải quyết đơn đề nghị hoặc văn bản kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại TAND cấp huyện, TAND khu vực theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

10. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền.

11. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của VKSND cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh; giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKSND khu vực...

12. Viện trưởng VKSND cấp tỉnh giải quyết tố cáo hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND khu vực, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, trừ tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và pháp luật khác có liên quan.

13. Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh.

14. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THADS, thi hành án hành chính trong trường hợp việc THADS, thi hành án hành chính liên quan đến nhiều khu vực và các trường hợp khác theo quy định.

15. Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc khác và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị quyết số 84/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi hợp nhất, thành lập, trong hệ thống tổ chức của VKSND có 34 VKSND cấp tỉnh.

Trong đó, 23 VKSND tỉnh, thành phố được thành lập mới và 11 VKSND cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập, gồm VKSND các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La và VKSND TP Hà Nội, Huế.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/chi-tiet-nhiem-vu-tham-quyen-cua-vksnd-cap-tinh-post859281.html