Chi tiêu ngày Tết: Vì sao phải 'liệu cơm gắp mắm'?

Những ngày cận Tết Nguyên đán, sức mua tại các siêu thị và chợ truyền thống tăng nhiệt. Tuy nhiên, năm nay, cách chi tiêu của đa số người tiêu dùng có khác.

Ngày 8/2 (tức ngày 29 tháng chạp năm Quý Mão), ngày nghỉ đầu tiên trong chuỗi nghỉ Tết Âm lịch (từ ngày 8/2 đến 14/2/2024), chị Nguyễn Thu Hòa (phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) tranh thủ đi sắm cây quất, cành đào và quả tươi bày mâm ngũ quả.

Chọn cho mình cây quất 200.000 đồng có đủ quả xanh, quả chín, hoa và chút lộc. Cây tuy hơi nhỏ nhưng phù hợp với căn nhà tập thể cũng như túi tiền của gia đình. Vui vẻ, hân hoan vì đã mang được không khí Tết về nhà, chị Hòa nói: “Nhà cứ có cành đào, cây quất là có Tết”.

Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Vào siêu thị để sắm sửa cho gia đình mâm ngũ quả, chị Nguyễn Thị Trang (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cũng lựa chọn nải chuối, quả bưởi, quả thanh long, quả xoài, quả táo… và cùng với đó là hộp mứt Tết.

“Chi phí cho mâm ngũ quả dưới 500.000 đồng. Trước đó, gia đình cũng đã sắm sửa bánh kẹo, bún, miến, thịt, rau. Bánh chưng năm nay tổ dân phố tặng 2 chiếc nên gia đình tôi đợi đến sáng 30 Tết sẽ mua thêm gà lễ và đĩa xôi gấc đỏ, một ít hoa tươi, có lẽ Tết với gia đình tôi thế là đã đủ đầy”, chị Trang chia sẻ.

Năm nay, xu hướng mua sắm được nhìn nhận là tiết kiệm, chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Đáng chú ý, hàng Việt Nam lên ngôi và chiếm sóng (trên 90%) trên các kệ siêu thị bởi mẫu mã ngày càng đẹp, chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý.

Với nhiều người tiêu dùng, hàng Việt Nam nếu khéo chọn các loại đặc sản vẫn đảm bảo tiêu chí ngon, bổ, rẻ. Tiêu chí mua sắm của nhiều người tiêu dùng bây giờ là "không bày vẽ, cắt giảm được gì tốt ví tiền thứ đấy”.

Theo chia sẻ của các siêu thị, năm nay, khách hàng tập trung vào các mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, để tiết kiệm hơn, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua hàng vào những ngày mà các hệ thống siêu thị có khuyến mại, tích điểm.

Đây cũng là lý do dù sức mua những ngày cận Tết tăng từ 20 – 30% so với thời điểm trước Tết ông Công ông Táo, một số siêu thị phải gia tăng thêm quầy thu ngân phụ, tăng thêm gian hàng bánh kẹo để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng theo phản ánh của một số siêu thị nếu so với mọi năm, tình hình kinh doanh mùa Tết này “thất thu” hơn.

Còn theo các tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hàng năm, từ đầu tháng Chạp là khách bắt đầu mua sắm. Nhưng Tết này, 2 - 3 tuần trước mọi người vẫn chưa mạnh tay, chỉ mới sôi nổi khoảng chục ngày gần đây. Nhiều người lao động cũng muốn chắc chắn về khoản lương, thưởng, thu nhập để phân bố các khoản chi, tránh thiếu trước hụt sau.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của người dân muốn hạn chế chi tiêu sau một năm kinh tế có phần ảm đạm, nhưng càng cận Tết, họ đã quyết định sắm sửa vì phong tục chuẩn bị Tết đã là truyền thống.

Sức mua những ngày sát Tết đang dần tăng lên, dù không bằng cách đây vài năm nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, với nhiều người bán hàng, khách đến được thế này đã là rất mừng. Và, họ hy vọng năm 2024 kinh tế sẽ ổn định hơn, khách mua sắm nhiều hơn.

Siêu thị BigC Thăng Long những ngày này rất đông khách hàng đến sắm Tết

Siêu thị BigC Thăng Long những ngày này rất đông khách hàng đến sắm Tết

Theo các chuyên gia, với tâm lý Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm, dịp tụ họp gia đình, mỗi năm chỉ có duy nhất một lần nên người tiêu dùng thường chi tiêu thả ga để mua sắm, bày biện đầy đủ trong nhà, đặc biệt là dành nhiều khoản chi để mua quà biếu họ hàng hai bên. Tết cũng là dịp thể hiện sự dư dả kinh tế trong một năm của gia chủ với khách, dòng họ, bạn bè…

Vì vậy, “vung tay quá trán” ngày Tết trở thành thói quen của nhiều người Việt. Tuy nhiên, trải qua một năm khó khăn về kinh tế, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều người tiêu dùng và các gia đình lựa chọn một cái tết tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn.

Rõ ràng, sẽ không có công thức chung cho việc đâu là thứ bạn muốn, đâu là thứ bạn cần bởi mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Nhưng, Tết hay bất kỳ ngày lễ nào khác trong năm, dù tâm lý vội vàng, háo hức đến đâu, đừng quên chi tiêu có kế hoạch.

"Liệu cơm gắp mắm" là câu tục ngữ nhắc nhở mọi người về việc chi tiêu sao cho hợp lý. Bởi lẽ, Tết rồi cũng qua đi, nếu bạn chi tiêu quá ngân sách, khi đó, khoản nợ sẽ ở lại. Dù nợ người thân, bạn bè hay thẻ tín dụng, tất cả đều vô hình tạo nên áp lực cho chính bạn vào những ngày đầu năm mới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chi-tieu-ngay-tet-vi-sao-phai-lieu-com-gap-mam-302531.html