Chỉ tiêu tăng hơn 337%, ĐH GTVT TP.HCM lý giải 'do được tự xác định chỉ tiêu'
Chỉ tiêu tuyển sinh, tổng nguồn thu hợp pháp, quy mô đào tạo,... của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đều có xu hướng tăng qua các năm
Được thành lập vào ngày 26/04/2001 theo quyết định số 66/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải lớn nhất phía Nam của Việt Nam. Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực giao thông vận tải như hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sông, đường sắt.
Tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của trường là trở thành trường đại học lớn, đa ngành của Việt Nam, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hàng đầu về giao thông vận tải và các lĩnh vực liên quan, có uy tín, hòa nhập với các trường đại học trong khu vực và vững vàng tiếp cận trình độ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Hiện trường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phương làm Hiệu trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thủy là Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường.
Nghiên cứu đề án tuyển sinh năm 2023 của trường cho thấy, năm 2023, trường dành chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (50% chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường (10% chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (5% chỉ tiêu) và Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (35% chỉ tiêu).
Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh của trường có xu hướng tăng mạnh qua các năm.
Từ bảng số liệu trên cho thấy, chỉ sau 2 năm (từ 2021-2023), chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng vọt với tỷ lệ tăng hơn 337%.
Cũng theo số liệu được nêu trong đề án tuyển sinh 2023, các ngành học có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất năm 2023 gồm: ngành Công nghệ thông tin với 932 chỉ tiêu cho cả chương trình thường và chương trình chất lượng cao; ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tuyển 1.406 chỉ tiêu cho cả chương trình học hoàn toàn bằng tiếng anh và chương trình chất lượng cao; ngành Kinh tế vận tải với 545 chỉ tiêu cho cả chương trình thường và chương trình chất lượng cao.
Lý giải nguyên nhân vì sao chỉ tiêu tuyển sinh có xu hướng tăng mạnh qua các năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ năm 2020, nhà trường được Bộ Giao thông vận tải giao quyền tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập). Do đó, nhà trường đã được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Và với nhu cầu nhân lực của ngành giao thông vận tải tăng mạnh trong những năm vừa qua, các dự án giao thông vận tải của đất nước đang triển khai mạnh mẽ (đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, năng lượng tái tạo…), đó cũng là thời điểm phù hợp để trường xây dựng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành. Đặc biệt, nhà trường chỉ tập trung đào tạo nhân lực cho lĩnh vực giao thông vận tải, không đào tạo các ngành ngoài lĩnh vực giao thông vận tải.
Tuy nhiên, thầy Tuấn lưu ý, số liệu chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 không phản ánh đúng năng lực đào tạo thực tế của nhà trường.
Không những vậy, so sánh Đề án tuyển sinh 2023 và Đề án tuyển sinh 2022, phóng viên cũng nhận thấy rằng, những năm gần đây, trường đều có số sinh viên nhập học vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể:
Bảng trên cho thấy, năm 2020, trường có số thí sinh nhập học cao hơn 57% chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ này ở năm 2021 là 12,6% và ở năm 2022 là 0,06%.
Thầy Tuấn cho hay, giai đoạn 2020-2022, có năm số lượng sinh viên nhập học cao hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, đây là vấn đề chung của các trường do việc xác định tỉ lệ thí sinh ảo chưa chuẩn.
Tuy nhiên, nhà trường xác định đảm bảo công bằng và quyền tiếp cận đại học đối với người học; điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu trong việc giảng dạy cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo. Trên thực tế, có nhiều sinh viên xác nhận nhập học nhưng không đóng học phí nên số lượng sinh viên thực tế theo học giảm so với số xác nhận nhập học.
Bên cạnh đó, thầy Tuấn cho biết thêm, nhà trường đi đầu trong việc hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về khoa học công nghệ, giao thông vận tải như Tập đoàn Đèo Cả; Tập đoàn Vingroup; Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Trường Hải (THACO); Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn… cả về cơ sở vật chất, dây chuyền, nhà máy sản xuất, công trường, dự án cũng như đội ngũ trí thức, chuyên gia của các doanh nghiệp/ tập đoàn trong đào tạo, nghiên cứu.
Ngoài ra, đề án tuyển sinh năm 2023 cũng chỉ ra rằng, hệ đào tạo vừa làm vừa học có một số ngành có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 khá cao như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 100 chỉ tiêu; Công nghệ thông tin với 50 chỉ tiêu; Kỹ thuật ô tô và Kỹ thuật điện đều tuyển sinh 170 chỉ tiêu.
Về tài chính, so sánh với đề án tuyển sinh năm 2022, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường có xu hướng tăng từ 244 tỷ đồng (năm 2021) lên 293,54 tỷ đồng (năm 2022).
Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của trường cũng tăng nhẹ từ 13,407 triệu đồng/sinh viên (năm 2021) lên 14,47 triệu đồng/sinh viên (năm 2022).
Thầy Tuấn lý giải, nguồn thu hợp pháp của Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Học phí; Các dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ; Các dịch vụ hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Theo đó, những năm qua, nguồn thu hợp pháp của Trường có tăng nhẹ nhờ làm tốt các hoạt động dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Và để vận hành tốt cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhà trường đã làm tốt công tác quản trị đại học, tiết giảm các khoản chi tiêu không hợp lý, gián tiếp.
Ngoài ra, đề án tuyển sinh của trường cũng nêu về các điều kiện bảo đảm chất lượng. Trước hết, đối với quy mô đào tạo theo hình thức chính quy, đề án tuyển sinh 2022 và 2023 cho thấy quy mô người học của trường tăng mạnh qua các năm đối với cả bậc sau đại học và đại học chính quy.
Về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu, theo đề án tuyển sinh 2023, trường có tổng diện tích đất là 231.796 m2; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 4,83 m2.
Tuy nhiên, vẫn với tổng diện tích đất trên, so với đề án tuyển sinh năm 2022, diện tích đất sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy chỉ đạt 3,02 m2.
Có thể thấy, diện tích sàn xây dựng của hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu của nhà trường đã tăng mạnh sau một năm, từ 27.414 m2 (năm 2022) lên 45.257 m2 (năm 2023); các diện tích sàn xây dựng của thư viện, trung tâm học liệu; trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập đều tăng mạnh sau một năm.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên website của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh không có báo cáo 3 công khai của các năm học, kể cả năm học gần nhất (2022-2023). Tại mục "Thông tin công khai" của trường chỉ có "Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" qua các năm.
Thầy Tuấn lý giải, báo cáo 3 công khai được nhà trường đăng tải trên trang thông tin đúng quy định, do gần đây trường đang thực hiện chuyển đổi số trong quản trị và nâng cấp hệ thống trang thông tin nên xảy ra một số sự số kỹ thuật. Nhà trường sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất.