Chỉ tiêu tăng trưởng phải phù hợp với thực tiễn

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 6 - 7%/năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, chỉ tiêu đặt ra là cao so với tiềm lực của tỉnh.'Giữa đặt ra chỉ tiêu và kỳ vọng là vấn đề cần xác định rõ. Với Quảng Ngãi, chúng ta phụ thuộc lớn vào lọc dầu, trong khi sản phẩm lọc dầu đã đạt đỉnh về tăng trưởng. Nếu tỉnh quyết tâm đặt ra mức tăng trưởng như dự thảo Báo cáo chính trị thì phải có đột phá trong điều hành, chỉ đạo và tác động khách quan thấp nhất. Tôi nghĩ, tỉnh cần cân nhắc lại để đưa chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể ở đây là tốc độ tăng trưởng từ 5 - 6%'.

Kỳ vọng quá cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của nhiệm kỳ từ 6 - 7%. Tuy nhiên, khả năng kết thúc nhiệm kỳ chỉ ước đạt 5,62%. Điều đó cho thấy, trong 5 năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và huy động nguồn lực xã hội lớn nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn không đạt như kỳ vọng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một trong những nguồn thu chính của Quảng Ngãi trong nhiều năm qua.

Dự thảo Báo cáo chính trị đề cập những hạn chế, yếu kém đó xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có lúc chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết. Năng lực tham mưu, tổ chức, thực thi chính sách của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu. Một số cán bộ, đảng viên ngại đổi mới, chưa tận tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ...

Để tạo sự bứt phá, đưa tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới, dự thảo Báo cáo chính trị đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 6 - 7%. để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết hợp tăng trưởng giữa chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để khơi thông nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa nội lực, kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển...

Dù vậy, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng như vậy là quá cao. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Kim Hiệu cho rằng, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đưa ra cùng lúc 3 phương án tăng trưởng cho nhiệm kỳ đến cho thấy, vẫn còn đó những “âu lo” về mục tiêu, bởi thực tiễn khách quan luôn có những thay đổi. Đơn cử như vừa qua, dịch Covid-19 làm cho giá dầu giảm mạnh, tác động rất lớn đến nền kinh tế. Do đó, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng phải nhìn toàn diện, đánh giá một cách tổng quát, cũng như có phương án dự phòng cho những tác động ngoài mong muốn.

“Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tính toán chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh trong 5 năm đến, dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn, tốc độ tăng trưởng đạt 5% thì xác suất đạt là 54%; tốc độ tăng trưởng 5,5% thì xác suất là 44%; tốc độ tăng trưởng 6% thì xác suất là 34% và tốc độ tăng trưởng 7%, xác suất chỉ là 17,4%. Như vậy, chỉ tiêu mà dự thảo Báo cáo chính trị đề ra là quá cao”, ông Hiệu bày tỏ.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN KIM HIỆU

Cần bám sát thực tiễn

Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh Nguyễn Văn Luyện cho rằng, đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cao là để cùng nhau phấn đấu, nhưng đặt chỉ tiêu quá cao sẽ dẫn đến “tự làm khó mình”. Muốn đặt ra chỉ tiêu thì phải đánh giá tổng quan về kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Ngoài ra, Dự thảo Báo cáo chính trị chưa đánh giá hết thực trạng đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Trong khi đây là động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

“Tốc độ tăng trưởng 6 - 7% là tốc độ bình quân chung của cả nước, nên áp vào tỉnh là không nên, bởi Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn. Lạc quan để đặt chỉ tiêu tăng trưởng là tốt, nhưng không nên lạc quan quá mức, bởi giá dầu rất bấp bênh, khả năng nâng công suất, mở rộng NMLD Dung Quất chưa khả thi, vì đến giờ vẫn chưa bố trí được vốn. Thép cũng vậy. Muốn đạt tốc độ tăng trưởng từ 6 - 7%, thì cả hệ thống chính trị phải hoạt động với công suất hơn 100%. Cộng với đó là nhiều yếu tố thuận lợi khác như giá dầu, thép, kinh tế thế giới phải ổn định... Nhưng tình hình thế giới luôn biến động như hiện nay, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cần tính toán lại để đặt ra chỉ tiêu phù hợp hơn, đảm bảo cuối nhiệm kỳ đạt được, thậm chí là vượt. Có như vậy mới tăng tính ổn định của nền kinh tế và đảm bảo nguồn vốn đầu tư công một cách hiệu quả”, ông Luyện đề xuất.

Theo ông Nguyễn Kim Hiệu, dự thảo đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 7% là mới nhìn thấy những thuận lợi trong việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và thực hiện giai đoạn 2 dự án thép Hòa Phát Dung Quất. Trường hợp thuận lợi nhất thì hai dự án trên đi vào hoạt động, nhưng cũng mất ít nhất nửa nhiệm kỳ để xây dựng. Trong khi, dịch Covid-19 chưa chấm dứt, giá dầu giảm do suy thoái kinh tế chưa thể phục hồi nhanh được. Tác động kép này kéo theo nhiều vấn đề, kể cả nguồn lực để đầu tư của tỉnh, bởi nhiều năm qua nguồn thu của tỉnh phụ thuộc vào lọc dầu. Việt Nam gia nhập vào sân chơi toàn cầu, Quảng Ngãi cũng không ngoại lệ, nên phải tính toán kỹ khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ đến.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202007/chi-tieu-tang-truong-phai-phu-hop-voi-thuc-tien-3013099/