Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của Viện Ngân hàng - Tài chính (ĐHKTQD) ra sao?

Mới đây, Viện Ngân hàng - Tài chính trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.

Theo thông tin từ đại diện Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, năm học 2025-2026, Viện tuyển sinh 620 chỉ tiêu gồm 320 chỉ tiêu cho ngành Tài chính - Ngân hàng đào tạo bằng tiếng Việt, 200 chỉ tiêu cho 02 chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh và 100 chỉ tiêu cho chương trình đào tạo quốc tế liên kết với Đại học La Trobe (Úc).

 Thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Viện Ngân hàng - Tài chính. Ảnh: NTCC.

Thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Viện Ngân hàng - Tài chính. Ảnh: NTCC.

Tuyển sinh chương trình quốc tế, chuyên ngành chuyên sâu bằng tiếng Anh

Chia sẻ về ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành học thu hút nhiều thí sinh nhất, đại diện Viện cho biết: "Viện Ngân hàng - Tài chính của Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị hàng đầu về đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của Việt Nam kể từ năm 1956. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân Tài chính - Ngân hàng. Với tấm bằng này, sinh viên có thể có cơ hội làm việc ở bộ phận kinh doanh, quản lý tài chính, tín dụng, kế toán, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế - xã hội, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước".

 Lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Viện Ngân hàng - Tài chính. Ảnh: Website nhà trường.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Viện Ngân hàng - Tài chính. Ảnh: Website nhà trường.

Điểm đặc biệt của ngành Tài chính - Ngân hàng là sau năm thứ nhất, sinh viên có thể đăng ký các chuyên sâu: Tài chính Doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại, Tài chính Công, Tài chính Quốc tế, Thị trường Chứng khoán, Quản lý thuế hoặc không đăng ký học chuyên sâu mà vẫn học chương trình chung của ngành Tài chính - Ngân hàng.

Sau khi hoàn thành chương trình học cử nhân, hoặc nếu tiếp tục học cao hơn tại các chương trình học trong nước hoặc quốc tế, sinh viên có thể làm việc tại nhiều cơ quan và đơn vị khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tài chính trung ương như Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ/Sở Tài chính, Bộ/Sở Kế hoạch Đầu tư, hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, Thanh tra Trung ương đến địa phương, cùng các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội nghề nghiệp là những điểm đến tiềm năng.

Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán, đầu tư và tư vấn tài chính. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán trong và ngoài nước cũng là những môi trường làm việc lý tưởng. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội tham gia vào các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy trong và ngoài nước, góp phần phát triển lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

 Viện Ngân hàng - Tài chính tham gia Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Đại học Bách Khoa Hà Nội vào tháng 3/2025. Ảnh: NTCC.

Viện Ngân hàng - Tài chính tham gia Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Đại học Bách Khoa Hà Nội vào tháng 3/2025. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, Viện Ngân hàng - Tài chính cũng tiên phong đào tạo 02 chuyên ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) và Tài chính và Đầu tư (thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng). Cả hai chương trình Cử nhân đều được giảng dạy bằng tiếng Anh.

"Năm 2018, Viện Ngân hàng - Tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) tuyển sinh chuyên ngành Công nghệ Tài chính, thuộc ngành Tài chính ngân hàng. Đây là chương trình cử nhân Công nghệ Tài chính đầu tiên tại Việt Nam.

Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính là quyết tâm và hành động của nhà trường trong việc hỗ trợ và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, thông qua việc đào tạo đội ngũ nhân trẻ sự có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực hiện đang còn rất thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Liền sau đó, Viện Ngân hàng - Tài chính là đơn vị đầu tiên mở và đào tạo chuyên ngành Đầu tư tài chính dạy bằng tiếng Anh vào năm 2019 (năm 2023 chuyên ngành được đổi tên là Tài chính và Đầu tư).

Chuyên ngành Tài chính và Đầu tư hướng tới mục tiêu đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về Tài chính - Ngân hàng, đặc biệt về lĩnh vực đầu tư tài chính.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên hiểu biết các quy định của nhà nước về hệ thống tài chính và thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là về lĩnh vực đầu tư tài chính và các dịch vụ đầu tư tài chính" - đại diện Viện chia sẻ.

Đặc biệt, với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, cơ hội nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước mà còn thích hợp với các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế.

Đối với Chương trình Cử nhân Quốc tế chuyên ngành Tài chính & Quản lý liên kết đào tạo giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học La Trobe (Úc), học sinh đã có thể đăng ký trực tuyến và chuẩn bị hồ sơ. "Học sinh đang theo học lớp 12 sẽ bổ sung các giấy tờ còn thiếu sau khi tốt nghiệp" - đại diện Viện chia sẻ.

 Hướng dẫn nộp hồ sơ Chương trình Cử nhân quốc tế La Trobe - NEU. Ảnh: NTCC.

Hướng dẫn nộp hồ sơ Chương trình Cử nhân quốc tế La Trobe - NEU. Ảnh: NTCC.

Học phí năm học 2025-2026 từ 18 triệu đồng

Trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện Ngân hàng - Tài chính áp dụng ba phương thức tuyển sinh theo Quyết định số 377/QĐ-ĐHKTQD do nhà trường ban hành ngày 28/03/2025.

Phương thức đầu tiên là xét tuyển thẳng với 3% chỉ tiêu, áp dụng với học sinh thuộc một trong các nhóm: là diện chính sách, được tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạt giải ba trở lên trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia; giải nhất trở lên trong kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia.

Phương thức thứ hai là xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với bốn tổ hợp, gồm A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với phương thức này là 20 điểm, như các năm gần đây.

Những thí sinh thuộc diện tuyển thẳng nhưng không chọn cách này sẽ được cộng 1-2 điểm khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Phương thức thứ ba là xét tuyển kết hợp, dành cho ba nhóm thí sinh: Nhóm 1 là những em có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên. Nhóm 2 dành cho thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy tối thiểu 85/150 HSA, 700/1200 APT hoặc 60/100 TSA. Các em có thể đăng ký xét tuyển độc lập bằng điểm này, hoặc kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS từ 5.5, TOEFL iBT 46 trở lên. Nhóm 3 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với điểm thi tốt nghiệp môn Toán và một môn khác. Điều kiện về chứng chỉ tương tự nhóm 2.

Quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, phương thức tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2025-2026, hệ chính quy đào tạo bằng tiếng Việt có mức học phí dao động từ 18-25 triệu đồng/năm học, hệ chính quy đào tạo bằng tiếng Anh từ 41-65 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm, tuân thủ theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Riêng đối với Chương trình liên kết quốc tế La Trobe - NEU, học phí của chương trình là gần 10 triệu đồng/tháng, tương đương 298 triệu đồng cho toàn khóa học 3 năm (đối với sinh viên có chứng chỉ IELTS từ 6.0); 323 triệu đồng cho khóa học 3,5 năm và 348 triệu đồng cho khóa học 4 năm (với những sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS 6.0).

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chi-tieu-tuyen-sinh-nam-2025-cua-vien-ngan-hang-tai-chinh-dhktqd-ra-sao-post250287.gd