Chỉ tiêu về giảm nghèo vẫn là một thách thức rất lớn

i biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân đề nghị, cần quan tâm, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra cú huých và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về những nội dung đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngày 8/11, phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng: Năm 2021, về cơ bản chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân cũng bày tỏ băn khoăn về dự kiến chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm còn duới 2%. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, dự báo năm 2022 chỉ tiêu này sẽ thiếu khả thi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (ảnh TTXVN).

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Lắk chỉ ra rằng: “Hiện nay, những khó khăn chung còn tiềm tàng, nhất là dự báo diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp, kéo dài, tác động sâu đến người dân, đặc biệt những người nghèo càng chịu nặng nề hơn. Chỉ tiêu về giảm nghèo vẫn là một thách thức rất lớn”.

Do vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân kiến nghị, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng đồng thời là những vùng biên giới, hải đảo, nơi phên giậu của Tổ quốc nên rất cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn.

“Mặc dù đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nhưng tôi xin đề xuất với Quốc hội và Chính phủ, cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa thành thị và miền núi. Đồng thời, cũng giúp tăng cường giữ vững được thế trận quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh quốc phòng ở những địa bàn chiến lược này. Làm được như vậy chính là thực hiện tinh thần cương lĩnh phát triển đất nước của Đảng và Hiến pháp Nhà nước về tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Toàn cảnh Phiên thảo luận.

Từ thực tế ở địa bàn Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ, nên quan tâm, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra cú huých và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, vị đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Lắk cũng đề xuất với các bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cần tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp và người dân các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chế biến sâu các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, bơ, mắc ca, sầu riêng, hạt điều,… để làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá” như những năm vừa qua. Xúc tiến việc nhập, chuyển giao công nghệ tưới giọt đại trà, quy mô công nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên như là một giải pháp tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng Tây Nguyên.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-tieu-ve-giam-ngheo-van-la-mot-thach-thuc-rat-lon-post165831.html