Chỉ tiêu VLVH quá 30-50% chính quy, ĐH Trà Vinh nói chưa vượt năng lực đào tạo
Nhiều lĩnh vực chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học của Trường Đại học Trà Vinh vượt 30-50% so với chỉ tiêu chính quy, nhà trường lý giải chưa vượt quá năng lực đào tạo.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, năm nay Trường Đại học Trà Vinh dự kiến tuyển sinh 7.308 chỉ tiêu cho 48 ngành theo 9 phương thức xét tuyển bao gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả đánh giá năng lực và đánh giá tư duy của các cơ sở giáo dục khác tổ chức; thi văn hóa do trường tổ chức để xét tuyển (VSAT-TVU); sử dụng kết quả thi văn hóa của cơ sở đào tạo khác tổ chức để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm thi năng khiếu; kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông và điểm thi năng khiếu; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài.
Có lĩnh vực chỉ tiêu vừa làm vừa học cao hơn 168,1% chỉ tiêu chính quy
Điều 9, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT) ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định:
“Chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học của một lĩnh vực đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực đó; riêng đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực/ nhóm ngành đó”.
Tuy nhiên, đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Trà Vinh có rất nhiều lĩnh vực chỉ tiêu tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học năm 2024 vượt mức quy định tại Thông tư 03.
Cụ thể, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của trường là 188. Trong khi đó, ở hình thức vừa làm vừa học lĩnh vực này nhà trường tuyển tới 410 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu của lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên hình thức vừa học vừa làm lên tới 218,1% so với chỉ tiêu đào tạo chính quy (cao hơn 168,1% so với quy định).
Lĩnh vực Pháp luật (ngành Luật) chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường là 400, trong khi chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học là 350 (bằng 87,5% chỉ tiêu chính quy, cao hơn 57,5% so với quy định).
Lĩnh vực Sức khỏe (gồm các ngành: Hóa dược; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng; Y tế công cộng) chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường là 1231, trong khi chỉ tiêu hình thức vừa học vừa làm là 718 (chiếm tới 58,3%, cao hơn 28,3% so với quy định).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện nhà trường lý giải việc một số ngành ở nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên không có chỉ tiêu tuyển sinh chính quy nhưng lại có chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học.
"Đối với tuyển sinh hệ chính quy 2 ngành Sư phạm tiếng Khmer và Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Trà Vinh chỉ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh đào tạo khi được bộ ngành giao nhiệm vụ, ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch cấp kinh phí (học phí và sinh hoạt phí). Việc này nhằm đảm bảo các quyền lợi cho người học sư phạm theo học hệ chính quy được thụ hưởng các chính sách được quy định trong Nghị đinh số 116/2020/ND-CP ngày 25/9/2020.
Đối với tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học các ngành sư phạm, nhà trường thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Khoản 1 Điều 9, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT như sau: “Chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học của một lĩnh vực đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực đó; riêng đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực/nhóm ngành đó”.
Cũng theo vị này, khi xác định chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học nhà trường căn cứ vào năng lực đào tạo đối với từng lĩnh vực. Trước khi xác định chỉ tiêu, Trường Đại học Trà Vinh có khảo sát trên địa bàn tỉnh về nhu cầu sử dụng nhân lực của lĩnh vực đó như thế nào.
"Trong Đề án tuyển sinh năm 2024, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên của trường hệ đại học chính quy đào tạo 2 ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (tổng chỉ tiêu theo lĩnh vực là 188).
Trong khi đó, ở hình thức vừa làm vừa học lĩnh vực này nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo 4 ngành - Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm tiếng Khmer - theo Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT, “Chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học của một lĩnh vực đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực đó; riêng đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực/ nhóm ngành đó”.
Nhà trường khẳng định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành sư phạm hệ chính quy hay hình thức vừa làm vừa học đảm bảo đúng theo quy định của Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT.
Ví dụ: Năm 2024, tổng năng lực đào tạo có thể tuyển mới để xác định chỉ tiêu chính quy đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên của trường là 1.257 chỉ tiêu (mà nhà trường chỉ được giao là 188 chỉ tiêu). Nếu xác định chỉ tiêu vừa làm vừa học của lĩnh này theo Thông tư (không vượt quá 50%) là 628 chỉ tiêu; tuy nhiên, nhà trường chỉ xác định chỉ tiêu vừa làm vừa học thuộc lĩnh vực này 410 chỉ tiêu (chỉ đạt 32,61% theo năng lực) là phù hợp", đại diện nhà trường thông tin.
Một số ngành không có sinh viên trúng tuyển nhập học
Đối chiếu với bảng thống kê chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất (2022 và 2023) trong đề án tuyển sinh năm 2024 của trường cho thấy một số mã ngành nhà trường tuyển được rất ít sinh viên như:
Mã ngành 7140217 (Sư phạm Ngữ Văn) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 42 nhưng chỉ có 16 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 38,1%). Năm 2023, ngành này không được nhà trường tổng hợp thông tin chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học.
Mã ngành 7220106 (Ngôn ngữ Khmer) năm 2023, chỉ tiêu của trường là 83 nhưng chỉ có 14 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 16,9%).
Mã ngành 7229040 (Văn hóa học) năm 2023, chỉ tiêu của trường là 55 nhưng chỉ có 10 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 18,2%).
Mã ngành 7229009 (Tôn giáo học) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 18 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển nhập học. Năm 2023, nhà trường không thống kê số liệu của ngành học này.
Mã ngành 7310101 (Kinh tế) năm 2023, chỉ tiêu của trường là 190 nhưng chỉ có 33 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 17,4%).
Mã ngành 7310201 (Chính trị học) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 48 nhưng chỉ có 8 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 16,7%). Năm 2023, nhà trường không thống kê số liệu nào về ngành học này....
Mã ngành 7760101 (Công tác xã hội) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 3,3%). Năm 2023, nhà trường không có số liệu về ngành học này.
Mã ngành 7810103 (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 120 nhưng chỉ có 28 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 23,3%). Dù năm 2022 tuyển được rất ít sinh viên nhưng năm 2023 nhà trường vẫn tăng chỉ tiêu ngành này lên 168 sinh viên. Tuy nhiên, năm 2023 ngành này cũng chỉ có 42 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 25%).
Mã ngành 7850101 (Quản lý tài nguyên và môi trường) năm 2023, chỉ tiêu của trường là 38 nhưng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 15,8%).
Đáng chú ý, mã ngành 7720401 (Dinh dưỡng) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 42 nhưng không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học dù nhà trường chỉ lấy 15 điểm. Năm 2023, nhà trường không có số liệu về ngành học này.
Lý giải về vấn đề này, đại diện nhà trường cho hay, trong công tác tuyển sinh, nhà trường gặp phải một số khó khăn:
Thứ nhất là về khoảng cách địa lý: Trường Đại học Trà Vinh nằm khá xa so với các thành phố trực thuộc trung ương nên việc thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển, nhập học tại trường không được thuận lợi. Các ngành tuyển được ít thí sinh chủ yếu là thí sinh tại tỉnh nhà và một vài tỉnh lân cận nhập học.
Thứ hai là về nguồn tuyển: phụ thuộc vào số thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm. Năm 2023 có số thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông giảm so với năm 2022. Dẫn đến nguồn tuyển sinh cũng giảm theo.
Thứ ba là thí sinh có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành để học.
Thứ tư, thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chọn học tại trường cao đẳng nghề tại địa phương với thời gian học ngắn hơn, chi phí cho việc học cũng thấp hơn.
Bên cạnh đó, số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chỉ đạt khoảng 30%. Khi xét tuyển, nhà trường xác định số thí trúng tuyển đảm bảo theo chỉ tiêu tuyển sinh của ngành xét tuyển, nhưng khi xác nhận nhập học thì không đủ chỉ tiêu do số lượng thí sinh ảo khá lớn.
Cuối cùng là chính sách tuyển sinh có sự thay đổi, nhất là đối với các ngành sư phạm. Để đảm bảo sinh viên sư phạm theo học hệ chính quy thụ hưởng các chính sách được quy định trong Nghị định số 116/2020/ND-CP ngày 25/9/2020, Trường Đại học Trà Vinh chỉ thực hiện tuyển sinh đào tạo các ngành sư phạm sau khi bộ ngành giao nhiệm vụ, ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch cấp kinh phí (học phí và sinh hoạt phí) theo quy định.
Đối với tình hình tuyển sinh năm 2024, theo số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung và kết quả thi của thí sinh thì nhà trường đánh giá công tác tuyển sinh đạt kết quả cao hơn so với năm 2023.
Đối với ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Trà Vinh khẳng định không có sự chóng vánh trong các hoạt động và công tác đào tạo của trường. Nhà trường mở ngành đào tạo dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của các cơ sở y tế, các cơ quan doanh nghiệp có liên quan và đặt hàng đào tạo của các sở y tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, ngành Dinh dưỡng không được sự lựa chọn của thí sinh. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đối với nhóm ngành sức khỏe việc đào tạo đơn ngành không còn phù hợp với xu hướng đào tạo đa ngành. Do đó, nhà trường đã không thực hiện tuyển sinh ngành này từ năm 2023 và đóng ngành (ngành hết hiệu lực tuyển sinh theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT).
Bên cạnh đó, ngành Trí tuệ nhân tạo được nhà trường tự chủ mở ngành vào năm 2023 theo Quyết định số 362/QĐ-ĐHTV. Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này là 28 nhưng không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học.
Đại diện nhà trường cũng thông tin thêm: "Bên cạnh những khó khăn chung đối với công tác tuyển sinh của trường, việc tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo còn gặp một số khó khăn khác là ngành này mới bổ sung vào Danh mục thống kê ban hành theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 có hiệu lực áp dụng từ ngày 22/7/2022, người học ngành này đòi hỏi có sự đam mê ngành rất cao, có kiến thức nền tảng về Toán học, có khả năng lập trình tốt ... Ngành Trí tuệ nhân tạo được đánh giá là một trong những công cụ góp phần giải quyết một số vấn đề phức tạp, giúp nâng cao hiệu quả công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 theo Quyết định 2289/QĐ-TTg năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhà trường đã tiến hành khảo sát nhu cầu nhân lực và thực hiện theo các quy định chung trước khi có quyết định mở ngành. Ở năm đầu tiên, số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học chưa đảm bảo để trường duy trì lớp học. Tuy nhiên, ở các năm tiếp theo, với sự tăng cường đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác truyền thông tốt hơn, nhà trường có những khóa tuyển sinh có kết quả cao hơn và chất lượng hơn".
Một số ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học cao hơn chỉ tiêu
Bên cạnh những ngành tuyển sinh “èo uột” thì cũng có một số ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học của trường nhiều hơn chỉ tiêu khá cao như:
Mã ngành 7480201 (Công nghệ thông tin) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 150 nhưng có tới 208 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 58 sinh viên, tương đương 38,7%). Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này giữ nguyên nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 199 sinh viên (cao hơn chỉ tiêu 49 sinh viên, tương đương 32,7%).
Mã ngành 7510205 (Công nghệ kỹ thuật ô tô) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 30 nhưng có tới 86 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 56 sinh viên, tương đương 186,7%). Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này tăng lên 55 sinh viên, nhưng số người trúng tuyển nhập học vẫn cao hơn chỉ tiêu 28 người (tương đương 51%).
Mã ngành 7510301 (Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 90 nhưng có tới 137 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 47 sinh viên, tương đương 52,2%). Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này giảm còn 83 người, nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 100 sinh viên (cao hơn chỉ tiêu 17 sinh viên, tương đương 20,5%).
Mã ngành 7720301 (Điều dưỡng) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 120 nhưng có tới 126 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 6 sinh viên, tương đương 5%). Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này tăng lên 135, nhưng nhà trường có tới 156 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn chỉ tiêu 21 sinh viên, tương đương 15,6%).
Mã ngành 7720601 (Kỹ thuật xét nghiệm y học) năm 2022 chỉ tiêu của trường là 36 nhưng có tới 71 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 35 sinh viên, tương đương 97,2%). Năm 2023, chỉ tiêu của ngành này tăng lên 40, nhưng nhà trường có tới 69 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn chỉ tiêu 29 sinh viên, tương đương 72,5%).
Lý giải về vấn đề này, đại diện nhà trường thông tin: "Số liệu được nêu tại mục thông tin tuyển sinh 2 năm gần nhất được nhà trường cập nhật lên hệ thống khai báo Đề án tuyển sinh chung. Trong phần này, các thông tin như chỉ tiêu, điểm xét tuyển, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học là số liệu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, nhà trường còn nhiều phương thức xét tuyển khác. Do đó, khi cộng tổng chỉ tiêu của các phương thức khác vào thì số sinh viên trúng tuyển nhập học không cao hơn chỉ tiêu".
Theo kết luận số 29/KL-TTr ngày 6/9/2024 của Thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo về việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường; tuyển sinh, quá trình đào tạo; điều kiện mở ngành và duy trì ngành các trình độ giáo dục bồi dưỡng, quản lý cấp phát văn bằng chứng chỉ đối với Trường Đại học Trà Vinh cho thấy:
Về công tác đào tạo trình độ đại học, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Cần Thơ, khóa 2020-2023 đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học ngành Luật chưa bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung khối lượng chương trình đào tạo, vi phạm quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017 (nay là điểm c, Khoản 2 Điều 5 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học.