Chỉ tốn chưa tới 10 ngàn đồng bạn có thể tạo ra tô mì gói đủ chất
Trong trường ăn phải ăn mì gói bạn nên bổ sung đạm và chất xơ để cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn.
Theo báo cáo từ Hiệp hội mì gói thế giới (WINA), Việt Nam là quốc gia có sức tiêu thụ mì thuộc top đầu thế giới.
Ăn mì gói vì no và rẻ
Tính tới năm 2022 tổng nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền (hay còn gọi là mì gói hoặc mì tôm) của Việt Nam đạt khoảng 8.5 tỉ gói, đứng thứ ba thế giới. Nếu tính theo số gói mì tiêu thụ bình quân trên đầu người, thì Việt Nam xếp thứ nhất với sức tiêu thụ 85 gói mì/năm/người.
Điều này cho thấy, việc ăn mì gói đã trở nên thông dụng với hầu hết người dân Việt Nam.
Quỳnh Như, sinh viên tại TP.HCM thừa nhận, dù thường xuyên đặt ra các câu hỏi như ăn mì gói có béo không, ăn mì gói có tác hại gì nhưng sự tiện lợi, mùi vị thơm ngon, giá rẻ lại đảm bảo no khiến mì gói trở thành món ăn đầu tiên trong suy nghĩ của Như mỗi khi đói bụng.
"Nhất là vào mùa thi cử bận rộn hoặc những lúc hết tiền, mì gói là món ăn được tôi sử dụng nhiều nhất trong tuần"- Như nói.
Tương tự, anh Thanh Hải, 35 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cũng thừa nhận, thường xuyên sử dụng mì gói làm giải pháp chống đói mỗi khi tăng ca đêm.
"Dù biết ăn mì là không tốt, ăn liên tục sẽ thiếu chất hoặc tăng cân nhưng mỗi khi bận rộn tôi chỉ nghĩ tới việc ăn mì để xong bữa"- anh Hải nói.
Cách ăn mì gói đủ chất
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Bác sĩ (ThS- BS) Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (NRECI) TP.HCM cho hay, mì gói tuy là món ăn chống đói tạm chấp nhận được, song lại không đảm bảo dinh dưỡng nếu tiêu thụ liên tục.
Nguyên nhân là do trong mì gói chỉ có tinh bột, muối… mà thiếu đi các chất cần thiết cho bữa ăn hàng ngày như đạm, chất xơ.
Do đó, nếu muốn giảm bớt những lo lắng cho sức khỏe khi ăn mì gói, người dân nên bổ sung đạm và chất xơ trong khi ăn.
"Bạn có thể bổ sung đạm bằng cách chế biến thêm thịt hoặc trứng như trứng gà, trứng vịt hoặc trứng vịt lộn.
Bổ sung chất xơ bằng cách cho một nắm rau xanh như rau lang, rau muống, giá... sẽ giúp bữa ăn đủ chất hơn.
Ngoài ra khi ăn mì gói bạn có thể trụng qua sợi mì trong nước sôi, đồng thời giảm lượng nêm nếm từ các gia vị có trong mì như muối, dầu. Chỉ nên cho nửa gói muối, nửa gói dầu hoặc có thể không cần cho gói dầu"- BS Hùng gợi ý.
Như vậy, ngay cả sinh viên, bạn hoàn toàn có thể tạo ra tô mì tạm đủ dinh dưỡng chỉ với 3.000 đồng/quả trứng để bổ sung đạm, 5.000 đồng/bó rau để bổ sung chất xơ.
Dù vậy, theo quan điểm của BS Hùng, người dân nên hạn chế ăn mì gói nói chung. Đồng thời cân đối các nhóm chất trong bữa ăn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe.
HẠ QUYÊN