Chi trả chế độ đặc thù phòng, chống dịch Covid-19
ĐBP - Trong thời gian qua, để ngăn chặn đại dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn, cả hệ thống chính trị, từ các lực lượng chức năng đến những người dân trên địa bàn tỉnh đều vượt lên khó khăn, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thấu hiểu những nỗi vất vả đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai chi trả một số chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành.
Cán bộ Trạm Y tế phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ tiến hành truy vết các trường hợp F2, F3 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Đến ngày 8/2/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 có sự thay đổi so với Nghị quyết 37/NQ-CP. Thực tế trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn trường hợp F1 phải áp dụng biện pháp cách ly y tế đã được hỗ trợ theo nội dung này. Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ quy định với người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch. Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; còn các khoản chi phí sau đây được ngân sách Nhà nước bảo đảm: Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung; chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày. Trong trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí, bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.
Chị N.T.M.C, tổ 1, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ là F1 trong đợt bùng phát dịch thứ 4 và cách ly tập trung tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Chị C. chia sẻ: Mấy ngày đầu mới vào cách ly, mọi người truyền tai nhau thông tin về việc người cách ly phải chịu chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, thêm tiền ăn, sinh hoạt với mức 120.000 đồng/người/ngày. Tính ra cả đợt cách ly chi phí phải đến hơn 5 triệu đồng/người. Lúc đó ai cũng hoang mang, lo lắng, vì số tiền đó quá lớn, nhất là với những gia đình tất cả thành viên đều phải đi cách ly tập trung. Sau đó, cán bộ tại khu cách ly giải thích rằng mỗi người cách ly chỉ phải đóng 80.000 đồng/ngày tiền ăn, ngoài ra các chi phí khác đã có nhà nước đảm bảo. Nghe được thông tin đó chúng tôi mới yên tâm. Và thực tế là khi hoàn thành thời gian cách ly, chúng tôi cũng chỉ phải đóng đúng tiền ăn theo quy định chứ không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào khác. Đến thời điểm này chúng tôi được biết Chính phủ còn ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó những trường hợp F1 như chúng tôi sẽ nhận lại được tiền ăn đã đóng trong thời gian cách ly. Như vậy, dù là trước hay sau thì hầu hết các chi phí trong thời gian cách ly của chúng tôi trong đợt bùng phát dịch thứ 4 vừa qua đều đã được nhà nước chi trả.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Từ ngày 20/7 đến nay không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Để đạt được kết quả đó phải kể đến nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của cán bộ ngành Y tế tỉnh nhà. Theo thông tin từ Sở Y tế, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của ngành hiện tại là gần 1.900 người. Trong đó, 1.678 người tham gia công tác tiêm chủng; 41 người tham gia tại 12 chốt kiểm dịch; 78 người làm nhiệm vụ tại 25 điểm cách ly tập trung; 101 cán bộ “Nam tiến” chống dịch. Ngoài ra, nhân lực sẵn sàng khi kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến Điện Biên Phủ là 146 cán bộ.
Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế khi thực hiện công tác phòng, chống dịch, ngành luôn quan tâm, động viên anh em nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 37/NQ-CP và Nghị quyết 16/NQ-CP được Sở chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị quyết. Trong quá trình triển khai thực hiện khi có những vấn đề vướng mắc các phòng chuyên môn của Sở Y tế đã kịp thời giải đáp, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện. Các đơn vị cũng nhanh chóng tiến hành rà soát các đối tượng được thụ hưởng theo tinh thần của Nghị quyết, lập dự toán chi tiết chuyển về Sở Y tế để tổng hợp kịp thời gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí chi chế độ cho cán bộ tham gia chống dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, tổng kinh phí đã cấp chi cho các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 37/NQ-CP và Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ trên 12,6 tỷ đồng, số đã chi cho cán bộ y tế hơn 11,5 tỷ đồng… Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn vướng phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể là kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết được hỗ trợ khi UBND tỉnh tổng hợp số thực chi, có xác nhận của Kho bạc Nhà nước gửi lên Bộ Tài chính để cân đối, cấp cho địa phương. Do vậy, kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù còn chưa kịp thời.