Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Chính sách đi vào cuộc sống
Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Tạo nguồn lực tài chính
Năm 2008, tỉnh Sơn La và Lâm Đồng được Chính phủ chỉ đạo triển khai chính sách thí điểm chi trả DVMTR để tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả DVMTR áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả DVMTR; thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.
Từ kết quả thí điểm tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng, ngày 24/9/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đến hết tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh có 54 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng; trong đó, 9 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực liên tỉnh, 45 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực nội tỉnh; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Sơn La đã ký 39 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 44 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nước. Đồng thời, tiến hành điều tra, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản và sản xuất công nghiệp có sử dụng nước để ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR theo quy định của Luật lâm nghiệp.
Ông Sòi Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cho biết: Đây là nguồn lực tài chính mới, bền vững, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 1.167 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, từ nguồn lực tài chính này đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 637.000 ha rừng, trước khi có chính sách chi trả DVMTR, kinh phí hàng năm Nhà nước hỗ trợ ngành Lâm nghiệp của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng từ 20-30% nhu cầu, do vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn biến phức tạp. Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân được nâng lên đáng kể, rừng được bảo vệ tốt hơn. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng. Công tác quản lý chi tiêu tiền DVMTR được cộng đồng thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch. Hằng năm, toàn tỉnh có trên 537.000 ha rừng được bảo vệ và phát triển từ nguồn DVMTR; chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản giảm cả 3 tiêu trí (số vụ vi phạm, số diện tích và số lâm sản bị thiệt hại), nếu như năm 2009, toàn tỉnh phát hiện 1.434 vụ vi phạm, năm 2019 giảm còn 566 vụ. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chính sách chi trả DVMTR, tỉnh ta đã phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương kêu gọi các tổ chức quốc tế đầu tư, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật trong việc nghiên cứu, thúc đẩy và hoàn thiện chính sách DVMTR.
Cải thiện sinh kế
Chính sách chi trả DVMTR đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 43.000 chủ rừng (chiếm trên 40% tổng số chủ rừng trong cả nước) được hưởng lợi từ DVMTR và các lợi ích khác từ rừng mang lại, người làm nghề rừng đã thực sự được coi trọng, đời sống từng bước được cải thiện.
Để phát huy hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR, tỉnh ta đã ban hành cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội trong việc triển khai thực hiện chính sách. Từ năm 2009 đến hết năm 2019, đã chi trả 963,4 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí này, ngoài việc chi trả cho các chủ rừng, tỉnh đã hỗ trợ gần 11 tỷ đồng giúp nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai địa bàn huyện Mường La khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017; hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng thực hiện 4 mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả trên đất lâm nghiệp tại huyện Bắc Yên, Vân Hồ, Yên Châu và Thuận Châu. Đặc biệt, các chủ rừng đã chi gần 174 tỷ đồng đầu tư xây dựng 7.354 công trình nhà văn hóa cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa bản...
Chiềng Sại là xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình của huyện Bắc Yên, toàn xã có 2.958 ha rừng, trước khi có chính sách chi trả DVMTR, toàn bộ diện tích rừng chủ yếu được quản lý, bảo vệ theo hương ước, quy ước, nên thường xuyên xảy ra cháy rừng và tình trạng phá rừng làm nương. Ông Đinh văn Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Từ khi triển khai thực hiện chính sách, rừng đã được bảo vệ tốt hơn, tính riêng từ năm 2011 đến nay, xã đã được chi trả gần 5,9 tỷ đồng DVMTR. Hằng năm, xã đã chỉ đạo các bản tổ chức họp dân công khai số tiền nhận được và đưa ra phương án sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch. Đối với chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình sẽ được chi trả đầy đủ, kịp thời; còn chủ rừng là cộng đồng, ban quản lý bản sẽ dùng để chi cho các mục đích chung của bản, gồm mua cây giống trồng rừng, mua vật liệu bê tông đường nội bản, liên bản, mua dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ, PCCCR, chi thù lao cho tổ bảo vệ rừng và khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Qua đó, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, 5 năm qua, trên địa bàn xã không để xảy ra cháy rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương, tỷ lệ độ che phủ rừng nâng lên 54%.
Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng. Gia đình ông Lý Văn Xan, ở bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) là một trong những hộ điển hình của bản về trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hơn 20 năm miệt mài trồng rừng, đến nay gia đình ông có trên 20 ha cây xoan, tếch, giổi, lát, chò chỉ, dưới tán ông trồng sa nhân, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Xan bảo: Thấy gia đình mình trồng rừng hiệu quả, nhiều người cũng muốn trồng nhưng lại không có tiền mua cây giống. Từ khi có tiền DVMTR, ngoài việc chi cho công tác bảo vệ rừng, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, bản đã hỗ trợ các hộ mua cây giống để trồng rừng, vì thế rừng không còn bị phá, diện tích được tăng lên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, có thể khẳng định đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả chính sách đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng.