Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Sẻ chia trách nhiệm và lợi ích
Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), là thể hiện trách nhiệm xã hội của các đơn vị, cơ sở sử dụng dịch vụ rừng, nhằm giảm áp lực ngân sách, tăng thu nhập và tạo sinh kế cho cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững...
Cộng đồng cùng hưởng lợi
Sau 5 năm thực hiện chi trả DVMTR từ các cơ sở thủy điện và cơ sở sản xuất nước sinh hoạt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được 45 tỷ đồng và tiến hành chi trả cho 4 nhóm đối tượng, gồm: Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ tỉnh; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư và 2 UBND xã tham gia bảo vệ và phát triển 20 nghìn hécta rừng (24% tổng diện tích rừng được bảo vệ). Mức chi trả từ 400.000 - 800.000 đồng/ha/năm. So với khoản hỗ trợ từ ngân sách là 300.000 - 400.000 đồng/ha/năm, thì mức chi trả từ DVMTR cao hơn nhiều. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Dương Văn Tô cho rằng: “Chi trả DVMTR vừa tạo động lực thu hút tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của các cơ sở sản xuất về dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước của rừng”.
Lượng nước từ hồ Nước Trong không cung ứng đủ cho sản xuất, nên Nhà máy Thủy điện Nước Trong phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 2,8 tỷ đồng trong năm 2019.
Đối với các nhà máy thủy điện, để sản xuất 1 tỷ KWh/năm, nhà máy cần 1,3 tỷ mét khối nước, trong khi dung tích hồ chứa chỉ có thể tích trữ tối đa khoảng 300 triệu mét khối, lượng nước còn lại được cung cấp từ hệ thống điều tiết lưu trữ nước của rừng. Vì vậy, muốn duy trì sản xuất, các nhà máy thủy điện vừa sử dụng nguồn nước tiết kiệm, vừa có trách nhiệm sẻ chia lợi nhuận với tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, thông qua việc chi trả DVMTR tương xứng.
Tuy nhiên, nguồn thu từ các lưu vực thủy điện khác nhau, nên để đảm bảo mức chi trả cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng đạt tối thiểu 400.000 đồng/ha/năm, BQL Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phải tiến hành điều tiết. Như mức thu bình quân từ khu vực thủy điện Định Bình (Ba Tơ), chỉ 79.000 đồng/ha/năm, nên đơn vị trên phải điều tiết mức chi trả từ các khu vực thủy điện Hà Nang, Sông Riềng...
Mở rộng đối tượng chi trả
So với bình quân chung của cả nước, việc chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thấp. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh thu được hơn 10 tỷ đồng DVMTR, chi trả bảo vệ trên 20 nghìn hécta rừng; trong khi cả nước đã thu 2.800 tỷ đồng, góp phần bảo vệ và phát triển 6,3 triệu hécta rừng. Nguyên nhân là do Quảng Ngãi chỉ mới áp dụng chi trả DVMTR cho cơ sở sản xuất thủy điện và cơ sở sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt. Các đối tượng sản xuất công nghiệp (SXCN), du lịch, cơ sở nuôi trồng thủy sản; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính... chưa tích cực thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nên kết quả còn hạn chế.
Theo kết quả điều tra của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, hiện có 117 cơ sở SXCN có sử dụng nước để phục vụ cho SXCN, với tổng khối lượng 12,099 triệu mét khối nước/năm, nhưng chưa có nhiều đơn vị thực hiện chi trả DVMTR. Do vậy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị sử dụng tài nguyên (nước, rừng) và cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ rừng. Theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nguyễn Khánh Ngọc, việc thực hiện chi trả DVMTR trên cơ sở tính toán lượng tài nguyên (nước) thực tế mà các cơ sở SXCN sử dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cũng như xác định cụ thể, đúng đối tượng được nhận tiền từ DVMTR.
Để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa, bên cạnh trách nhiệm của các đơn vị có sử dụng nước để phục vụ sản xuất, kinh doanh, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong việc tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở cho các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. “Cha đẻ” của chính sách chi trả DVMTR, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ, TS.Nguyễn Chí Thành đề xuất: “Không thực hiện chi trả DVMTR theo kiểu mạnh ai nấy làm, mà Quảng Ngãi cần xem xét đặt chính sách này trong tổng thể phương án quản lý rừng bền vững; nhất là các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng xung yếu, nhằm nâng cao năng lực bảo vệ rừng, cũng như tăng sinh kế cho người dân”.