Chi trả không dùng tiền mặt ở Võ Nhai: Nhiều giải pháp sáng tạo

Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 491 người có công (NCC) với cách mạng và 2.850 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp của Nhà nước. Thực hiện chủ trương chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động các đối tượng mở tài khoản ngân hàng; đồng thời có những giải pháp sáng tạo để bảo đảm thuận tiện cho người dân nhận tiền trợ cấp.

Huyện Võ Nhai thường xuyên phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức tuyên truyền cho người dân, đối tượng chính sách về việc mở tài khoản và nhận chi trả không dùng tiền mặt.

Huyện Võ Nhai thường xuyên phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức tuyên truyền cho người dân, đối tượng chính sách về việc mở tài khoản và nhận chi trả không dùng tiền mặt.

Ông Lý Thanh Bình, bệnh binh đang hưởng chế độ NCC được chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, chia sẻ: Giữa năm 2023, khi được cán bộ thị trấn Đình Cả và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai thông báo về chủ trương chi trả tiền trợ cấp NCC qua tài khoản, tôi hoàn toàn ủng hộ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng từ đó đến nay tôi vẫn đều đặn nhận tiền qua tài khoản và tự thao tác rút tiền tại cây ATM mỗi khi cần.

Tuy nhiên, ở huyện vùng cao Võ Nhai, số trường hợp như ông Bình không nhiều, bởi toàn huyện chỉ có 3 cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (2 cây ATM ở thị trấn Đình Cả và 1 cây ở xã La Hiên). Trong khi đó, hầu hết các xóm nằm cách xa các cây ATM (xã xa nhất cách trung tâm huyện hơn 60km).

Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Việc chi trả không dùng tiền mặt sẽ rất thuận lợi cho những người ở khu vực thành thị, đã quen với cách giao dịch qua tài khoản ngân hàng; đồng thời khu vực này cũng tập trung nhiều phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại hay cây ATM. Ngược lại, người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó tiếp cận với hình thức giao dịch không dùng tiền mặt...

Trên thực tế, việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích, như: Tiền hỗ trợ được chuyển đến người nhận nhanh chóng, đúng ngày quy định; bảo đảm an toàn, minh bạch, rõ ràng; mọi giao dịch đều được kiểm soát bằng hệ thống điện tử, công tác kiểm tra, xác minh dễ dàng.

Tuy nhiên, do hầu hết các đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện Võ Nhai là người cao tuổi, khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong việc sử dụng thiết bị di động để giao dịch. Hơn nữa, một số người cần thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền; có đối tượng không có người ủy quyền.

Thêm một điểm khó khăn nữa là người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để giao dịch, mua bán; người thụ hưởng chế độ phải nộp các chi phí liên quan đến việc mở thẻ, duy trì thẻ và phí rút tiền... nên lo ngại không được hưởng đủ như nhận chi trả bằng tiền mặt.

Trước những khó khăn trên, để bảo đảm việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt hiệu quả cao, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản ngân hàng và đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản.

Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân và số điện thoại đến các điểm bưu điện để nhận tiền trợ cấp.

Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân và số điện thoại đến các điểm bưu điện để nhận tiền trợ cấp.

Cùng với đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với UBND huyện giao chỉ tiêu đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản cho các xã, thị trấn; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, cập nhật thông tin, khảo sát, phân loại các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, NCC, người giám hộ, người ủy quyền mong muốn được nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng hay tiền mặt.

Đặc biệt, từ tháng 6-2023, huyện đã phối hợp với Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Lưu Xá và Bưu điện tỉnh xuống tận các xã, thị trấn để mở tài khoản ngân hàng miễn phí cho NCC, đối tượng bảo trợ xã hội.

Để khắc phục khó khăn cho người dân khi rút tiền, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng với Bưu điện huyện để các đối tượng có thể rút tiền mặt ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết, Giám đốc Bưu điện huyện Võ Nhai: Hằng tháng, tiền trợ cấp sẽ được chuyển về tài khoản tổng của Bưu điện, sau đó mới chuyển về tài khoản cá nhân của các đối tượng. Khi nhận được tiền, các đối tượng chỉ cần mang theo căn cước công dân và số điện thoại đã đăng ký để xác nhận mã OTP là có thể nhận tiền mặt tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Cách làm này rất thuận tiện cho người dân.

Bà Dương Thị Đành, ở xã Phương Giao, người phục vụ Mẹ Việt Nam Anh hùng, cho biết: Điểm bưu điện văn hóa xã cách nhà không xa nên tôi đi lại thuận lợi, cách thức rút tiền cũng rất đơn giản, nhanh gọn.

Còn ông Ma Văn Thế, thương binh ở xã Vũ Chấn, chia sẻ: Vì tuổi đã cao, lại không có điện thoại thông minh nên tôi rất lo khi chuyển sang hình thức nhận trợ cấp không dùng tiền mặt. Nhưng được sự hỗ trợ của các cán bộ, tôi sử dụng hình thức mới rất thuận tiện...

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Võ Nhai có 342/491 NCC nhận chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt (chiếm gần 70%); 2.850/2.850 đối tượng bảo trợ xã hội nhận chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng (đạt 100%).

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các đối tượng còn lại mở tài khoản ngân hàng và thực hiện giải pháp hỗ trợ đối tượng trong quá trình nhận tiền. Từ đó góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của nhân dân.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202409/chi-tra-khong-dung-tien-mat-o-vo-nhainhieu-giai-phap-sang-tao-9c92595/