Chi trăm triệu đồng sinh con đầu lòng

Chịu áp lực tài chính không nhỏ khi nuôi con tại thành phố lớn, nhiều gia đình tiết kiệm hơn trăm triệu đồng mới dám sinh con.

 Nhiều cặp vợ chồng tiết kiệm trăm triệu mới dám sinh con. Ảnh: Liêu Lãm.

Nhiều cặp vợ chồng tiết kiệm trăm triệu mới dám sinh con. Ảnh: Liêu Lãm.

Gần 100 triệu đồng là số tiền mà vợ chồng Tú Anh (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) chi cho hành trình mang thai và sinh con đầu lòng. Nhẩm lại tất cả khoản chi này, chính mẹ trẻ gen Z này cũng cảm thấy hốt hoảng về số tiền đã bỏ ra.

"Khoảng trăm triệu này cho toàn bộ chi phí khám và sinh con tại bệnh viện quốc tế. Đó là chưa kể tiền mua tã bỉm, mấy đồ dùng, vật dụng cần thiết cho con", cô nói.

Nhiều khoản chi

Ở thời điểm mang thai con gái đầu lòng, Tú Anh theo dõi thai kỳ tại một bệnh viện quốc tế. Mỗi lần khám tốn ngót nghét của cô khoảng 3 triệu đồng, đỉnh điểm có lần lên tới 11 triệu đồng do cần làm nhiều xét nghiệm.

Lúc này, Tú Anh mới bắt đầu tìm hiểu thêm địa chỉ khám khác từ bạn bè và được giới thiệu đến phòng khám của một bác sĩ có tiếng. Tuy nhiên, khi đến đây, cô hơi sốc vì không gian phòng khám rất chật, cảm giác bí bách đến nghẹt thở.

"Phòng khám nằm phía trên lầu của một căn nhà ống. Phía dưới, bà bầu ngồi xếp lớp trên từng bậc thang. Lúc vào phòng khám, mình rất ngại khi chỉ có một cái rèm mỏng, treo ngăn cách khu vực khám, người ngoài có thể nhìn thấy cơ thể mình bất cứ lúc nào", cô nhớ lại.

Ngoài ra, số lượng khách hàng quá đông cũng có thể là một yếu tố khiến Tú Anh cảm thấy không được chăm sóc như khi đi khám ở bệnh viện.

Sau trải nghiệm này, Tú Anh mua gói khám thai sản từ tuần thứ 27 kèm sinh thường, thai đơn trị giá 41 triệu tại một bệnh viện quốc tế. Nhưng do sinh non, con gái cô phải nằm phòng hồi sức tích cực sơ sinh thêm một tuần, chi phí thêm khoảng 35 triệu đồng. Theo đó, tổng chi phí sinh có thể lên tới 80 triệu.

Theo Tú Anh, cô không chi quá nhiều vào tiền mua đồ dùng sơ sinh cho em bé. Tổng chi phí quần áo tã bỉm cô đã mua cho con chỉ khoảng hơn 5 triệu. Tuy nhiên, chi phí dành cho các vật dụng lớn hơn như nôi, cũi... tốn của vợ chồng cô không ít.

 Tú Anh chi 5 triệu để mua nôi, cũi cho con. Ảnh: NVCC.

Tú Anh chi 5 triệu để mua nôi, cũi cho con. Ảnh: NVCC.

Cũng giống Tú Anh, Lê Hằng (37 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng "giắt lưng" vài trăm triệu trước khi quyết định sinh con. Tổng chí phí chị chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng là 120 triệu và 50 triệu cho con thứ hai.

"Tôi chỉ mua đồ nhập khẩu từ nước ngoài, giá giao động 5-10 triệu/món. Với tôi đây là chi phí tốn nhất khi chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên, đồ càng xịn thì xài càng bền. Đến khoảng 3 năm sau, khi tôi sinh bé thứ 2, nhiều vật dụng vẫn còn như mới", chị Hằng chia sẻ.

Linh hoạt chi phí, không nên trì hoãn sinh con

Theo nhiều thống kê, người Việt đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho chi phí chăm sóc sức khỏe.

Tổng chi tiêu cho y tế của người dân đã tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên đến 22 tỷ USD năm 2022. Ngoài ra, chi tiêu cho y tế/GDP của Việt Nam cũng đã tăng từ 4,52% năm 2016 lên khoảng 6,5% năm 2022.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), chi tiêu cho y tế trên bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng 9,2%/năm trong giai đoạn 2009-2025. Điều này cho thấy nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang tăng đột biến.

Thế nhưng, Cục Dân số (Bộ Y tế) ước tính tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ).

 Khu tập lăn bóng chung cho thai phụ ở khoa Sanh, Bệnh viện Từ Dũ. Chi phí cho một ca sinh thường, không sử dụng dịch vụ tại đây giao động từ 3-5 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Khu tập lăn bóng chung cho thai phụ ở khoa Sanh, Bệnh viện Từ Dũ. Chi phí cho một ca sinh thường, không sử dụng dịch vụ tại đây giao động từ 3-5 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Mức sinh thấp có thể khiến chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn, từ đó tăng áp lực về trách nhiệm cũng như tài chính đối với những người làm cha mẹ, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Hầu hết bệnh viện tuyến quận, huyện ở TP.HCM đều có khoa sanh (sinh), trong đó tuyến cao nhất là hai bệnh viện chuyên sản phụ khoa Từ Dũ và Hùng Vương. Mức phí cho khám, điều trị và sinh nở ở bệnh viện công lập thường, đặc biệt khi áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế, là con số không quá cao.

Ngoài ra, TP.HCM đã có thêm nhiều bệnh viện phụ sản quốc tế lớn, bệnh viện tư có chuyên khoa sản với nhiều mức giá khác nhau, có thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh sản của người dân.

Đã có kinh nghiệm một lần sinh nở, Tú Anh cho rằng các cặp đôi nên sinh con khi đã vững vàng tài chính. Vợ chồng cô vẫn đang chần chừ sinh thêm bé thứ 2 vì kinh tế gia đình chưa hồi phục sau đại dịch.

"Nếu sinh con ở thời điểm này, tụi mình sẽ không thể đảm bảo điều kiện chăm sóc cho con được như bé đầu. Vậy nên gia đình mình thống nhất nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai khi kinh tế vững hơn", Tú Anh chia sẻ.

Trong khi đó, chị Lê Hằng cho hay quyết định sinh em bé đầu lòng khi đã tích trữ được gần 500 triệu. Đến em bé thứ hai, chị cùng phải dự trù 300 triệu mới dám sinh thêm.

Theo chị Hằng, số tiền dự trữ cho việc sinh con phụ thuộc vào khả năng tài chính của cặp đôi. Với chị, khi đã quyết định sinh con, mỗi gia đình nên để dành ít nhất 200 triệu. Số tiền này không chỉ dành cho con mà còn dùng để trang trải một số chi phí khác trong nhà, khi người vợ không thể tạo ra kinh tế như trước.

Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cũng không nên quá chú trọng vào yếu tố kinh tế làm lỡ mất thời gian vàng sinh con. Với chị, việc sinh con quá muộn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ cũng như quá trình giáo dục con cái sau này.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2), cũng khuyên độ tuổi sinh học đẹp nhất và phù hợp nhất để mang thai và sinh con là từ 24 đến 30. Đây là khoảng thời gian vàng mà người phụ nữ có thể đáp ứng được nhiều yếu tố, từ sức khỏe thai sản, chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Phụ nữ trong độ tuổi này cũng đã có đủ nhận thức để thực hiện tốt công việc theo dõi thai kỳ, chăm sóc em bé khi sinh ra và nuôi dạy chúng. Ngoài ra, một lý do khác để phụ nữ nên sinh con trước tuổi 30 là điều kiện kinh tế đã có thể cho phép họ chăm sóc và nuôi nấng một đứa trẻ.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chi-tram-trieu-dong-sinh-con-dau-long-post1464835.html