Chỉ trình phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp lần này chỉ đề xuất chọn phương án cấm tuyệt đối người điều khiển ô tô và mô tô chuyên dụng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tại cuộc họp báo sáng nay 19-5, về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc trọng thể vào ngày mai 20-5), trả lời câu hỏi của phóng viên về các lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày.
“Để chuẩn bị cho hoạt động này, ngay từ đầu tháng 4 chúng tôi đã gửi văn bản đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đoàn ĐBQH để xem xét, gửi danh sách các vấn đề cần chất vấn. Sau đó, theo dõi thêm thông tin từ báo cáo tiếp xúc cử tri, báo cáo công tác dân nguyện và thông tin báo chí nêu, chúng tôi đã tổng hợp trên 10 lĩnh vực, gửi đến Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét cho ý kiến, bỏ phiếu kín để chọn ra 6 lĩnh vực”, ông Cường nêu cụ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã chọn 5 trong 6 lĩnh vực này, bao gồm: Tài nguyên môi trường; kiểm toán; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục đào tạo. Trong kỳ họp sẽ xin ý kiến Quốc hội để “gút” lại 4 lĩnh vực chất vấn.
Liên quan đến dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ để trình ra Quốc hội thảo luận, chuẩn bị thông qua, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia; nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng các ý kiến tập hợp được.
“Trong quá trình xin ý kiến, cơ bản số lượng lớn hơn đồng tình cấm tuyệt đối. Các cơ quan báo chí cũng đưa ra các phương án để lấy ý kiến người dân, chúng tôi đọc từng comment để đánh giá kỹ lưỡng”, ông An nói.
Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng nêu rất rõ quan điểm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó quyết định chọn phương án cấm tuyệt đối.
“Ta cứ nói với nhau trước đây có ngưỡng giờ bỏ ngưỡng, nhưng Luật Giao thông đường bộ hiện hành từ năm 2008 đã cấm tuyệt đối người điều khiển ô tô và mô tô chuyên dụng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (chỉ với người điều khiển xe gắn máy thì có ngưỡng - PV). Do đó, có đủ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, khoa học để cấm tuyệt đối”, đại diện Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói thêm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chi-trinh-phuong-an-cam-tuyet-doi-nong-do-con-post740578.html