'Chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em là bó hẹp phạm vi của các cấp Hội LHPN'

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), cho rằng, chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em là bó hẹp phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội LHPN.

 Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), phát biểu tại Hội nghị

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), phát biểu tại Hội nghị

Như PNVN đã đưa tin, ngày 3/6/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an); Đại biểu là các chuyên gia; Đại biểu từ các Bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì Hội nghị.

Bên cạnh việc lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống mua bán người, các đại biểu đã thảo luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trong đó có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống mua bán người đã đầy đủ và phù hợp chưa, có đảm bảo tính khả thi trong quá trình thi hành Luật không?

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), cho rằng, trong Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về tội phạm mua bán người.

"Tôi cho rằng chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em là bó hẹp phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội LHPN. Tôi đề xuất bổ sung thêm từ "cộng đồng", đầy đủ sẽ là "Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, cộng đồng về tội phạm mua bán người", ông Oanh nói.

TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, so với Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, các quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó có Hội LHPN Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội Phụ nữ) trong Dự thảo Luật lần này có một số thay đổi.

Riêng Điều 20 của Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Hội Phụ nữ chỉ thay đổi vài từ, còn lại vẫn giữ nguyên như Luật hiện hành. Tuy nhiên, việc không quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội Phụ nữ chủ yếu là về kỹ thuật lập pháp, còn trách nhiệm của Hội Phụ nữ đã được điều chỉnh ở Điều 19 Dự thảo Luật (Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người) vì Hội Phụ nữ là tổ chức thành viên của Mặt trận.

Theo đó, bên cạnh những trách nhiệm thuộc về chức năng của một tổ chức chính trị - xã hội như tuyên truyền, vận động, giám sát, tham gia, phối hợp… thì nay thêm "Giám sát, phản biện xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người" (khoản 1 Điều 19); "…tham gia phòng, chống mua bán người, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân" (khoản 3 Điều 19).

Ngoài trách nhiệm "phản biện xã hội" là quy định mới để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 thì các nội dung khác chỉ là luật hóa những việc mà Hội Phụ nữ đã và đang làm.

Ông Pha cho biết thêm, Hội LHPN Việt Nam có mô hình Ngôi nhà Bình yên, hoạt động gần 20 năm qua đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, Ngôi nhà Bình yên đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật được các bộ ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

Điều 53 Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam được giao “Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình” (Khoản 4).

Như vậy, trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, Hội đã tham gia với vai trò chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, mua bán người cũng là tội phạm liên quan đến vấn đề giới và là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới nên cần thiết quy định trách nhiệm của Hội trong vận hành cơ sở hỗ trợ mua bán người

Việc bổ sung trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam về Vận hành Trung tâm Trợ giúp xã hội hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác, đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng chống mua bán người nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói chung.

Nguyễn Long - Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chi-tuyen-truyen-nang-cao-nhan-thuc-cho-phu-nu-tre-em-la-bo-hep-pham-vi-cua-cac-cap-hoi-lhpn-20240603183632888.htm