Chi viện sức người cho miền Nam, hành động vì nghĩa đồng bào

Lãnh đạo các địa phương khi tiễn đoàn y bác sĩ, lực lượng tình nguyện chi viện cho miền Nam chống dịch đã nhắn gửi thông điệp 'đây là mệnh lệnh từ trái tim', hãy 'hành động vì nghĩa đồng bào'.

Trước diễn biến dịch bệnh ở TP.HCM, mới đây Sở Y tế TP cho biết, đã có gần 4.500 y bác sĩ, lực lượng tình nguyện từ nhiều tỉnh, thành, các đơn vị y tế thuộc sở, bộ và cả các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành vào hỗ trợ chống dịch.

Trong đó, có khoảng 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.

Hành động vì nghĩa đồng bào

Trong lễ tiễn 127 y bác sĩ, tình nguyện viên vào TP.HCM chống dịch, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh này đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP.HCM về việc hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch.

Ông nói: “Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, chung tay, chung sức của các thành viên trong đoàn công tác để tham gia hỗ trợ, giúp TP.HCM và các tỉnh phía Nam vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết".

"Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, hành động vì nghĩa đồng bào, vì lợi ích, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng”, ông Lưu nhấn mạnh.

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch. (Ảnh: TTXVN)

Trong ngày 15/7, tỉnh Thái Bình đã tiễn 60 cán bộ y bác sĩ, điều dưỡng cùng 350 sinh viên ngành y vào TP.HCM chống dịch.

PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y dược Thái Bình cho biết, khi phát lời kêu gọi sinh viên đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch, hàng nghìn sinh viên và cán bộ, giảng viên đã viết đơn, với mong muốn được tiếp sức.

Cùng với Thái Bình, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã cử đoàn vào TP.HCM. Thành phố Hải Phòng cử 14 bác sỹ, 100 điều dưỡng thuộc 25 cơ sở y tế.

Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng tổ chức tiễn đoàn 42 cán bộ gồm 7 bác sĩ, 30 điều dưỡng viên và 5 kỹ thuật viên lên đường vào TP.HCM. Phó Giám đốc Sở Y tế Khương Thành Vinh ghi nhận, biểu dương tinh thần tình nguyện, xung phong ra tuyến đầu chung tay cùng TP.HCM chống dịch.

Tỉnh Phú Thọ có 52 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã vào đến TP.HCM. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng, đây là lần thứ 3 (từ ngày 30/4 đến nay) Phú Thọ cử đoàn tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Dũng cũng yêu cầu Sở Y tế cử cán bộ trực tiếp làm đầu mối liên hệ với đơn vị TP.HCM để giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong đoàn.

Trong số các tỉnh có lực lượng chi viện cho miền Nam, Bắc Ninh là địa phương vừa mới trải qua những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh, nhưng nay cũng cử 25 cán bộ y bác sĩ, điều dưỡng vào hỗ trợ TP.HCM.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành khác cũng cử đoàn vào chi viện như Quảng Ninh (70 người), Thanh Hóa (58), Nghệ An (60), Hải Dương (41), Yên Bái (44)…

Hình ảnh tại lễ tiễn đoàn Thái Nguyên, một đồng nghiệp động viên một bé trai khi cháu òa óc lúc tiễn Mẹ lên đường vào TP.HCM chống dịch

Hình ảnh tại lễ tiễn đoàn Thái Nguyên, một đồng nghiệp động viên một bé trai khi cháu òa óc lúc tiễn Mẹ lên đường vào TP.HCM chống dịch

Ra trận cùng lực lượng tinh nhuệ

Ngày 13/7, trong lễ xuất quân đưa đoàn cán bộ y tế của tỉnh Thái Nguyên tình nguyện chi viện TP.HCM chống dịch, hình ảnh một cháu bé ngậm ngùi tiễn mẹ lên đường, khiến nhiều người cảm động.

Phát biểu tiễn đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, đoàn tình nguyện do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức gồm 79 cán bộ y tế do bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc dẫn đầu.

"Đây là nghĩa cử cao đẹp, không chỉ thể hiện phẩm chất tốt đẹp, sẻ chia của đội ngũ cán bộ ngành Y tế đang công tác ở tỉnh Thái Nguyên mà còn là tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc của tỉnh chung sức, đồng lòng cùng cả nước giúp đỡ TP.HCM", Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên gửi gắm.

Bà Hải cũng lưu ý, cán bộ y tế trong đoàn không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, cần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái... cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Chiều 14/7, hàng trăm y, bác sĩ ở Quảng Ninh chi viện cho bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức, TP.HCM) để chăm sóc cho bệnh nhân nơi đây. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Chiều 14/7, hàng trăm y, bác sĩ ở Quảng Ninh chi viện cho bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức, TP.HCM) để chăm sóc cho bệnh nhân nơi đây. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Đoàn chi viện của tỉnh Thái Nguyên được lựa chọn từ các khoa: Hồi sức tích cực - Chống độc; Cấp cứu; Truyền nhiễm và Hô hấp. Các cán bộ đều có chuyên môn cao, có khả năng làm việc độc lập, sẽ hỗ trợ TP.HCM truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2...

Trong 79 cán bộ này, có 20 tiến sĩ, bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO). Ngoài ra còn có 57 điều dưỡng và 2 kỹ thuật viên có trình độ, năng lực và nhiệt huyết.

Cũng với tinh thần chi viện sức người cho miền Nam ruột thịt, ngoài lãnh đạo, y bác sĩ giỏi, có chuyên môn và kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, đoàn Thừa Thiên - Huế còn có 72 sinh viên Trường ĐH Y dược Huế, tất cả đều là những trường hợp làm đơn tình nguyện lên đường.

Theo Tiến sỹ, bác sĩ Phan Hải Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế (Bệnh viện Trung ương Huế), điểm đến làm việc của đoàn là các khu hồi sức và khu điều trị bệnh nặng. Đây là những nơi đang thu dung các bệnh nhân vừa mắc Covid-19, đồng thời cũng là người mắc các bệnh lý nền cần phải điều trị đặc biệt.

Tương tự, ông Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết, với 114 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện đợt này đều thuộc các chuyên ngành nội, hồi sức, truyền nhiễm, xét nghiệm, sinh học phân tử. Đoàn tham gia điều trị cho các ca dương tính SARS-CoV-2, bệnh nhân hồi sức và xét nghiệm khẳng định.

Ngoài lực lượng đã lên đường vào TP.HCM, hiện vẫn còn hàng nghìn y bác sĩ đăng ký tiếp tục chi viện cho miền Nam, trong đó có khoảng 250 người thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và hơn 230 sinh viên năm 4-5-6 với nhiều trường hợp là nòng cốt từ đội tình nguyện đi chống dịch ở Bắc Giang trước đây.

Sở Y tế TP.HCM bày tỏ, dịch đang diễn biến phức tạp, sự chi viện của y bác sĩ, sinh viên trên cả nước là điều rất đáng quý trong giai đoạn này.

Trước đó, kết luận tại cuộc họp trực tuyến ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP.HCM” và yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM phòng chống dịch Covid-19.

Thu Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chi-vien-suc-nguoi-cho-mien-nam-hanh-dong-vi-nghia-dong-bao-756991.html