Chìa khóa để doanh nghiệp cơ khí Việt chinh phục sân nhà 300 tỷ USD

Đầu tư đổi mới khoa học công nghệ và cách sử dụng con người chính là chìa khóa để doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt chinh phục thị trường trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt vẫn loay hoay trong bài toán đổi mới công nghệ

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt vẫn loay hoay trong bài toán đổi mới công nghệ

Cơ khí và tự động hóa được coi là một trong những ngành trọng tâm bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động rõ rệt ở Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí, tiềm năng phát triển và đóng góp của ngành cơ khí chế tạo rất lớn. Dự kiến trong vòng 15 năm tới, quy mô thị trường thực tế cho ngành cơ khí, máy móc và thiết bị vào khoảng trên 300 tỷ USD.

Ông Sáng cho rằng, khi làm chủ được về cơ khí và tự động hóa thì có thể làm chủ quá trình đầu tư và xây dựng nhà máy. “Chúng ta có 12 đại dự án đổ bể, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn,… Những chậm trễ, thất thoát, tăng giá diễn ra do trình độ về cơ khí và tự động hóa chưa đủ để doanh nghiệp Việt làm chủ các công trình đầu tư xây dựng, bị lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Sáng nói.

Tuy nhiên, ông Sáng vẫn nhìn nhận, ngành cơ khí, tự động hóa của Việt Nam đã có được những thành công nhất định trong thời gian qua dù có nhiều ý kiến đánh giá quá trình phát triển này còn chậm. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng công nghệ mới, cho ra mắt những dự án mang tính tự động hóa, hiện đại cao.

Ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam Vinalift nhìn nhận, áp dụng công nghệ mới là thay đổi công nghệ đang có bằng công nghệ tiến tiến hơn để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm bớt giá thành của sản phẩm.

Trong ngành thiết bị nâng mà Vinalift đang hoạt động nói riêng và ngành cơ khí nói chung có một quá trình sản xuất gồm các bước: thiết kế, tạo phôi, gia công cơ khí, xử lý bề mặt, lắp ráp. Trong cả quá trình đó, phải có các thiết bị để đo kiểm độ chính xác.

Ông Tuấn nhìn nhận, trên các quá trình này, Việt Nam phải nỗ lực nhiều mới bắt kịp được với trình độ của thế giới. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã dùng phần mềm thiết kế, thậm chí là chuyên dụng cho từng sản phẩm trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt chưa có.

Công nghệ tạo phôi của Việt Nam cũng chưa phải là hiện đại. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã dùng công nghệ tự động hóa ở công đoạn gia công cơ khí thì rất nhiều doanh nghiệp Việt chỉ đang sử dụng máy móc đã cũ, nếu có máy gia công cơ khí chính xác CNC thì vẫn đang ở một mức công nghệ nhất định. Phần lắp ráp dường như đang ổn nhưng ông Tuấn cho rằng, thiết bị đo để kiểm soát quá trình cần phải hiện đại hơn.

Chính vì vậy, Vinalift cùng với sự hỗ trợ của Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã tập trung vào ba yếu tố chính gồm: phần mềm thiết kế chuyên dụng cho thiết bị nâng giúp giảm thời gian thiết kế và thiết kế tối ưu; máy móc gia công cơ khí chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; và thiết bị đo để có cơ sở kiểm tra chính xác quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm sau chế tạo.

“Trước đây, quá trình kiểm tra được thực hiện một cách thủ công nên thời gian kiểm lâu, chất lượng kiểm tra phụ thuộc vào kinh nghiệm và tay nghề của người kiểm tra. Dùng máy móc hiện đại thì có thể làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận được các thị trường nước ngoài như mục tiêu đã đặt ra”, ông Tuấn cho biết.

Ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Vinalift

Ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Vinalift

Khi thành lập công ty, Vinalift đã được xác định sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị nâng với các tiêu chuẩn hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á và các thị trường khác định hướng như Mỹ, Nhật Bản… Nhờ sớm đặt ra mục tiêu nên lộ trình được xây dựng rõ ràng và bám sát để từ đó đi đến đích.

Với mục tiêu này, Vinalift xác định tập trung sản xuất các thiết bị nâng dành cho cảng biển, các nhà máy đóng tàu và các thiết bị nâng phi tiêu chuẩn phải thiết kế chế tạo.

Cụ thể, công ty đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo một số bộ phận của các loại cầu trục, cổng trục cảng biển” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Trong quá trình này, các sản phẩm kết cấu thép được định hướng nằm trong chuỗi sản xuất cơ khí toàn cầu nên công ty buộc phải tìm đến các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức để tiếp cận hợp tác.

“Vinalift đang hoạt động trên một thị trường tương đối ngách với những thiết bị nâng phi tiêu chuẩn, theo yêu cầu đặt hàng của khách hàng chứ không phải sản xuất hàng loạt. Hiện chúng tôi bán ra tương đối nhiều với các thị trường lớn như Campuchia, Myanmar, Philippines, Mỹ, Nhật Bản, Argentina…”, ông Tuấn chia sẻ.

Đổi mới về sử dụng con người là yếu tố quan trọng

Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và công nghệ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người.

Một câu chuyện khá đau đầu đối với các doanh nghiệp khi đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ nói chung và ở ngành cơ khí nói riêng là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, lãnh đạo doanh nghiệp rất muốn thay đổi nhưng cấp dưới lại chần chừ, ngại thay đổi

Nhận định bài toán cả tập thể khó đồng lòng trong câu chuyện đổi mới là một khó khăn của doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết Vinalift phải đưa ra các chính sách, truyền thông nội bộ để đảm bảo cán bộ nhân viên thấu hiểu tầm quan trọng của đổi mới công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp.

Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được nhu cầu đổi mới cũng như khai thác được “tài nguyên” vô tận của Việt Nam là chất xám và sự sáng tạo của con người, Vinalift đã chú trọng công tác đào tạo, kếp hợp mời chuyên gia về đào tạo nội bộ và hợp tác với trường đại học lớn như Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa cùng các chuyên gia đầu ngành để cùng học tập, thiết kế và trao đổi, từ đó ngày càng hoàn thiện sản phẩm.

“Cũng không quá lo ngại do khi dùng phần mềm của Tây Ban Nha do bên đó vừa thực hiện chuyển giao công nghệ vừa đào tạo trực tiếp cho đội ngũ kỹ thuật. Do bản thân Vinalift đã là một công ty chuyên sản xuất thiết bị nâng nên việc nhân sự bắt nhập vào các phần mềm cũng nhanh, chỉ mất khoảng một tháng đào tạo”, ông Tuấn cho biết.

Đặc biệt, ngoài đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị thì Vinalift còn đầu tư đổi mới đội ngũ quản lý, thuê giám đốc người Nhật quản lý nhà máy, đào tạo đội ngũ công nhân viên, đảm bảo vận hành sản xuất đạt tiêu chuẩn Nhật. Vinalift còn thuê một giám đốc bán hàng người nhật để làm việc với thị trường Nhật Bản.

Lãnh đạo Vinalift đánh giá, đầu tư đổi mới khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm là rất quan trọng để các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và từ đó tiếp cận thị trường quốc tế. Hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước là rất quan trọng nhưng ông Tuấn nhìn nhận, chính bản thân doanh nghiệp cũng cần nắm bắt cơ hội và quyết tâm thực hiện.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chia-khoa-de-doanh-nghiep-co-khi-viet-chinh-phuc-san-nha-300-ty-usd-1575424479311.htm