'Chìa khóa' để nâng tầm giá trị nông sản Đất Tổ

PTĐT - Là tỉnh miền núi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 33,4%, Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

PTĐT - Là tỉnh miền núi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 33,4%, Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để giá trị nông sản ngày càng một tăng cao, đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân cũng như có chỗ đứng trên bản đồ nông sản của cả nước, công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu chính là “chìa khóa” để mở ra con đường này.

Nhân lên giá trị sản phẩmChứng kiến nỗi vất vả khi trồng lạc, vừng để cải thiện cuộc sống của gia đình và người dân nhưng giá bán quá rẻ, là lý do thôi thúc anh Nguyễn Hữu Tính tại xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê trăn trở tìm con đường khác cho hạt vừng, hạt lạc quê hương.

“Từ thời bố mẹ tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc ép vừng, lạc lấy dầu bán để tăng thêm thu nhập, nhưng hồi đó máy móc thô sơ, kỹ thuật yếu kém, chất lượng dầu không cao, không giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng. Đến lượt mình, tôi cố gắng nâng cao chất lượng của sản phẩm để gia tăng giá trị kinh tế và có đầu ra bền vững”. Đây là những chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Tính – Giám đốc Công ty TNHH Trung Hà - “chủ nhân” sản phẩm Dầu thực vật Ngọc Tân - 1 trong 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quốc gia năm 2019. Từ giá bán thô chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, thì nay, sau chế biến, mỗi sản phẩm đã có giá cao gấp 10, thậm chí là 20 lần. Không những vậy, anh còn tạo được ra bí quyết đặc trưng cho sản phẩm dầu thực vật Ngọc Tân, xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.Cũng như anh Tính, chị Nguyễn Thị Thanh Bình ở khu 8, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy đã tìm hiểu và mua máy móc ứng dụng công nghệ sản xuất tinh bột nghệ, để từ một cây nông nghiệp đơn thuần trở thành hàng hóa chất lượng cao. Với tiềm năng đồi rừng, lại có truyền thống gia đình làm thuốc nam, chị Bình đã mạnh dạn đầu tư vào khâu chế biến để đưa một cây nông sản tưởng chừng như chỉ có thể làm gia vị thành một loại thuốc quý, bán ra thị trường với giá hàng trăm nghìn đồng. Đến nay, thương hiệu Tinh bột nghệ gia truyền Dịu Tảo của chị đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và đón nhận.

Có thể khẳng định, câu chuyện chế biến thực sự đã trở thành chìa khóa để nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương.
Trong những năm trở lại đây, công nghiệp chế biến của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 143 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, trong đó có 55 doanh nghiệp chế biến chè có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày và trên 1.200 có sở chế biến chè thủ công hộ gia đình; 2 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc... 43 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản đã được UBND tỉnh công nhận. Một số làng nghề nông sản có tiềm năng phát triển mạnh với nhiều sản phẩm chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô - Việt Trì; Hợp tác xã dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao...
Vẫn còn nhiều tiềm năng
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Không những vậy, nhiều nơi nông sản chủ yếu là sơ chế nên dẫn đến giá trị gia tăng không cao. Lý giải cho thực trạng này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 21/2, tại điểm cầu Phú Thọ, ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra: “Sự đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hiện vẫn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển; chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông sản mà hiện chủ yếu là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; nhiều cơ sở chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ trung bình. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao; ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư thiết bị tiên tiến, hiện đại còn hạn chế; chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa có bước đột phá.”

Để có những bước đi cụ thể nhằm tháo gỡ cho những hạn chế, khó khăn này, tỉnh đã lên kế hoạch rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo 100% cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Quay lại câu chuyện chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, bài toán đặt ra là không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện để đầu tư máy móc, trang thiết bị lên đến hàng trăm triệu đồng như anh Tính, chị Bình để nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông sản. Do đó, rất cần những chuỗi liên kết để gia tăng giá trị. Thay vì đơn độc trong sản xuất, lại hạn chế về thông tin và không có đủ kinh phí cho những bước chế biến hậu thu hoạch cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, người nông dân cần liên kết với các cơ sở chế biến, sản xuất, vừa đảm bảo đầu ra, vừa tăng thêm giá trị gia tăng cho nông sản của mình.Với những chuỗi liên kết như vậy, nông sản qua từng khâu sẽ được nâng lên một giá trị mới, thu về nhiều lợi ích cho người nông dân, cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của họ.Kỳ II: "Khoác áo mới" cho nông sản Đất Tổ

Phương Thúy- Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/chia-khoa-de-nang-tam-gia-tri-nong-san-dat-to-171619