Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều hồi phục nhưng còn khá hạn chế. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEX

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEX

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Gelex (GEX – sàn HOSE) với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 20x dựa trên câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý II/2024.

Cùng trong xu hướng của thị trường chung, cổ phiếu GEX đã có tuần giao dịch khởi sắc dù thanh khoản sụt giảm mạnh. Cụ thể, với 5 phiên tăng liên tiếp , tổng cộng giá cổ phiếu GEX tăng 700 đồng (+3,17%) từ mức 22.100 đồng/CP lên 22.800 đồng/CP; khối lượng khớp lệnh trung bình đạt khoảng 5,5 triệu đơn vị/phiên, chưa bằng 1/2 so với mức trung bình của tuần trước đó là gần 12 triệu đơn vị/phiên.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STK

Chúng tôi tăng 15% giá mục tiêu cho STK lên 38.100 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên mua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi do chúng tôi tăng 5% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2026; cập nhật mô hình định giá từ cuối năm 2024 sang giữa năm 2025 và tăng P/E mục tiêu từ 14,0 lần lên 16,0 lần.

Cổ phiếu STK đã có tuần giao dịch tích cực, đặc biệt là phiên tăng mạnh ngày cuối tuần 5/7 khi nhóm cổ phiếu dệt may đua nhau khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu , tổng cộng giá cổ phiếu STK tăng 2.650 đồng (+9,06%) từ mức 29.250 đồng/CP lên 31.900 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HHV

Chúng tôi điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 3.805 tỷ đồng (tăng 41,7% so với năm ngoái) và 441 tỷ đồng (tăng trưởng 36,9%), với EPS là 1.209 đồng. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với HHV và hạ giá mục tiêu xuống 16.346 đồng/cổ phiếu (từ 21.250 đồng/CP), dựa trên phương pháp định giá DCF.

Cổ phiếu HHV đã có tuần biến động nhẹ quanh vùng giá thấp nhất trong nửa đầu năm 2024. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng nhẹ 300 đồng (+2,46%) từ mức 12.200 đồng/CP lên 12.500 đồng/CP.

* DSC và MASVN cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

DSC cho rằng, năm 2024, Vinamilk sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn 2020-2023, ước tính doanh thu thuần đạt 62.603 tỷ đồng (tăng 3,7% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 9.279 tỷ đồng (tăng trưởng 2,9%). Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM dựa trên triển vọng cải thiện kết quả kinh doanh, định giá ở vùng hấp dẫn, mức chi trả cổ tức cao và tài chính an toàn.

Bên cạnh đó, MASVN cho rằng, VNM đang giao dịch tại mức P/E TTM là 16,6 lần, vùng thấp nhất trong 5 năm. Chúng tôi nhận thấy đây là khoản đầu tư vừa có lợi suất cổ tức tốt vừa có tiềm năng tăng giá. Nếu kết quả kinh doanh quý II/2024 ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan, chúng tôi kỳ vọng đây là sẽ điểm nhấn quan trọng tạo cú huých tốt cho VNM trên đường tìm lại mức định giá hợp lý cho vị thế doanh nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ tích cực, cổ phiếu VNM đã có tuần giao dịch đầu tháng 7 cùng xu hướng thị trường chung với các phiên giao dịch tịnh tiến nhẹ. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VNM tăng 1.700 đồng (+2,6%) từ mức 65.500 đồng/CP lên 67.200 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

DSC sử dụng 2 phương pháp định giá RNAV và P/B với tỷ trọng tương đương, cùng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ bắt đầu chu trình mở bán lần lượt các sản phẩm Ehome SouthGate, Ehome Cần Thơ; Phân khu Pearl/ Waterpoint... bắt đầu từ nửa cuối năm 2024, trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục giúp nhóm dự án thấp tầng dần có sức hấp thụ khá hơn. Mức giá mục tiêu DSC ước tính cho cổ phiếu là 46.400 đồng/CP. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu ở vùng giá khoảng 40.000 đồng/CP.

Một trong những thông tin đáng chú ý mới nhất tại Nam Long là Công ty đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (quy mô 45 ha) cho đối tác chiến lược Nhật Bản Nishi Nippon Railroad. Thương vụ chuyển nhượng có giá trị 662 tỷ đồng, ước tính Nam Long có thể thu về khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng, đóng góp vào lợi nhuận quý II của doanh nghiệp. Thông tin tích cực này đã phần nào giúp NLG có những phiên khởi sắc trong tuần qua. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu NLG tăng 2.600 đồng (+6,28%) từ mức 41.400 đồng/CP lên 44.000 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị tích lũy dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi nhận thấy vùng giá hiện tại nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy do: (1) Mức cổ tức 2.000 đồng/CP có suất sinh lợi 5%/năm; (2) Sản lượng ổn định trong giai đoạn thị trường dư cung là điểm chúng tôi kỳ vọng DHC sẽ thuộc nhóm doanh nghiệp hồi phục trước tiên khi ngành hồi phục.

Mặc dù Chủ tịch và các Thành viên đua nhau bán ra cổ phiếu DHC, nhưng giá cổ phiếu này đã có tuần hồi phục trong những ngày đầu tháng 7 sau tuần giảm khá mạnh trước đó. Cụ thể, tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu DHC tăng 1.450 đồng (+3,7%) từ mức 39.100 đồng/CP lên 40.550 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS dựa trên tiềm năng tăng trưởng mảng M&C từ các gói thầu của dự án Lô B, cũng như các dự án năng lượng tái tạo quốc tế với giá trị cao.

Cổ phiếu PVS đã có tuần hồi phục tích cực dù thanh khoản vẫn hạn chế với những phiên khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị. Tính chung tuần qua, với 1 phiên giảm duy nhất vào giữa tuần ngày 3/7 và 4 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu PVS tăng 2.100 đồng (+5,17%) từ mức 40.600 đồng/CP lên 42.700 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB

Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B là 1,4x, khá hấp dẫn so với trung bình cổ phiếu 5 năm gần đây, đồng thời ngân hàng có hiệu suất sinh lời cao với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 26.500 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đã tìm lại sắc xanh trong tuần đầu tháng 7, nhưng các phiên đều tăng khá hạn chế, là nguyên nhân chính khiến thị trường thiếu động lực để tăng tốc. Trong đó, cổ phiếu ACB không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi đón nhận 3 phiên tăng nhẹ, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu ACB tăng nhẹ 500 đồng (+2,1%) từ mức 23.800 đồng/CP lên 24.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

Kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HSX: BSR đang thực hiện các thủ tục để thúc đẩy quá trình niêm yết trên sàn HOSE. Với vị thế của một doanh nghiệp đầu ngành, chúng tôi kỳ vọng BSR có thể được lọt vào chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn, giúp thu hút được dòng vốn ngoại và hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho BSR với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.

Cổ phiếu BSR đã có những phiên hồi phục tích cực sau tuần giảm khá mạnh vào cuối tháng 6 từ vùng giá cao nhất trong hơn 1 năm. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BSR tăng 1.100 đồng (+5,07%) từ mức 21.700 đồng/CP lên 22.800 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG

Dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025: Theo thông tin từ doanh nghiệp, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ quý I/2025 với công suất là 2,3 triệu tấn/năm và hoàn thành toàn bộ vào tháng 9.2026. Sau khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 32.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép cũng có tuần hồi phục sau những phiên giảm mạnh cùng thị trường trong tuần cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong ngành có sự phân hóa đáng kể, khi bộ 3 lớn gồm HPG, HSG, NKG chỉ tăng nhẹ, thì ở top sau như TVN, TIS lại tăng tốc mạnh. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 350 đồng (+1,24%) từ mức 28.300 đồng/CP lên 28.650 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH

DSC sử dụng 2 phương pháp định giá RNAV và P/B, với các giả định chính Dự án Emeria & Clarita mở bán vào quý IV/2024; Thị trường bất động sản hồi phục giúp nhóm dự án thấp tầng có sức hấp thụ khá bắt đầu từ quý IV/2024. Mức giá mục tiêu DSC ước tính cho cổ phiếu là 40.800 đồng/cổ phiếu. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu ở vùng giá khoảng 34.000-36.000 đồng/CP.

Cũng như phần lớn các cổ phiếu trên thị trường, KDH đã có tuần giao dịch hồi phục. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày giữa tuần 3/7, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu KDH tăng 1.400 đồng (+3,79%) từ mức 36.900 đồng/CP lên 38.300 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

Với kỳ vọng chiến lược "giảm lượng tăng chất" sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, con át chủ bài Bách Hóa Xanh có tiềm năng tăng trưởng tích cực và kỳ vọng vào sự phục hồi của mảng ICT, DSC ước tính giá mục tiêu 12 tháng của MWG sẽ đạt mức 68.500 đồng/CP và khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Không nằm ngoài nhận định của DSC, cổ phiếu MWG đã có tuần giao dịch khởi sắc, đặc biệt là phiên khớp lệnh đột biến ngày 1/7 và phiên xác lập đỉnh mới của năm vào ngày 2/7. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 3.200 đồng (+5,13%) từ mức 62.400 đồng/CP lên 65.600 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post348875.html