'Chìa khóa' giảm nghèo - Kỳ 2: Nhiều chính sách hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài
Nhằm thúc đẩy công tác đưa người lao động (NLĐ) làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong đó, vay vốn, đào tạo nghề, giáo dục định hướng và hỗ trợ khởi nghiệp sau khi về nước là động lực để ngày càng có nhiều NLĐ đăng ký làm việc tại nước ngoài.
Tạo điều kiện cho NLĐ vay vốn
Đầu tháng 10 vừa qua, anh Rah Lan Un (làng Plei Dmun Măk, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đi làm việc theo hợp đồng ở Đài Loan. Đây là cơ hội giúp gia đình anh thay đổi cuộc sống. Anh Un chia sẻ: Gia đình chỉ có 3 sào đất rẫy nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Nhiều thanh niên trong làng đi trước thông tin rằng, công việc ở Đài Loan rất ổn định, lương 18-20 triệu đồng/tháng. Vì vậy, sau khi nghe cán bộ tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài, anh đã đăng ký tham gia.
"Sau khi lựa chọn ngành xây dựng, tôi được hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt, phí đi lại trong thời gian học giáo dục định hướng. Riêng chi phí đi Đài Loan hết 130 triệu đồng, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 60 triệu đồng và Công ty cổ phần Hợp tác quốc tế CEMA cho vay 70 triệu đồng. “Sau khi xuất cảnh, lương hàng tháng được trích trả dần cho Ngân hàng và Công ty. Thời gian đi làm việc 3 năm, sau đó, nếu tôi đi tiếp thì được gia hạn thêm 4 lần mà không mất khoản chi phí đi lại nào. Hy vọng sau một thời gian làm việc ở Đài Loan, gia đình tôi sẽ tích góp được tiền để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”-anh Un bộc bạch.
Huyện Phú Thiện hiện có dư nợ cho vay đi làm việc ở nước ngoài trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 76 hộ dân tộc thiểu số được tạo điều kiện vay 50-100 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi để đi làm việc tại Đài Loan, Algeria. Đây là điều đáng mừng bởi lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài rất nhiều nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn không thể trang trải chi phí ban đầu. Nhờ được vay vốn, họ đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn, tự tin đi làm việc ở nước ngoài và gửi tiền về cho gia đình trang trải cuộc sống, mua đất sản xuất, làm nhà ở.
Từ năm 2016, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê triển khai cho vay đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí theo hợp đồng đã ký kết giữa NLĐ và doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. Kể từ khi chương trình triển khai đến nay, 100% hộ vay vốn xuất khẩu lao động là người dân tộc thiểu số, mức cho vay 50-100 triệu đồng/hộ.
Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện-cho biết: “Doanh số cho vay từ năm 2016 đến nay của Phòng Giao dịch là 1,219 tỷ đồng với 29 hộ vay đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan… Riêng dư nợ từ đầu năm 2023 đến ngày 31-10 là 478 triệu đồng với 9 lao động vay. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục dành vốn vay cho lao động xuất khẩu lao động, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các gia đình cải thiện cuộc sống”.
Tháng 7-2022, gia đình anh Ksor Choah (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động để đi làm việc tại Algeria. Trong khi chồng đi làm công nhân xây dựng ở nước ngoài, chị Rơ Mah Nơh ở nhà chịu khó làm thuê để có tiền chăm lo cho 3 đứa con.
Nói về quyết định đi làm ăn xa của chồng, chị Nơh chia sẻ: “Vợ chồng tôi thấy có nhiều người trong làng, trong xã đi làm việc ở nước ngoài về đều có một khoản tiền để làm nhà ở, mua sắm xe máy, xe công nông. Gia đình khó khăn nên tôi động viên chồng mạnh dạn đi Algeria làm công nhân xây dựng. Dù vất vả nhưng anh vẫn tích góp gửi tiền về để trả nợ. Đến tháng 7-2024, chồng tôi sẽ về nhà khi hết thời gian hợp đồng lao động”.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31-12-2022, từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, toàn tỉnh có 26 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay 1,449 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2,055 tỷ đồng với 61 lao động (có 58 lao động là người dân tộc thiểu số vay với tổng dư nợ 1,898 tỷ đồng). Ngoài vay vốn ngân hàng, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn được hỗ trợ học nghề, giáo dục định hướng từ các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ NLĐ giảm bớt gánh nặng về chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Rộng đường xuất khẩu lao động
Cùng với hoạt động vay vốn với lãi suất thấp, NLĐ đăng ký làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cũng được thụ hưởng nhiều chính sách khác, tăng thêm cơ hội có việc làm ổn định. Đặc biệt, các công ty cũng triển khai nhiều ưu đãi, cập nhật thường xuyên các chính sách liên quan đến thị trường lao động nhằm thu hút NLĐ đăng ký. Hiện có 30 đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn. Người lao động của Gia Lai đang làm việc có thời hạn tại hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Đức-Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động MD Việt Nam-thông tin: Thời gian qua, Công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu thị trường việc làm nước ngoài cho thanh niên, người dân trong tỉnh để tìm hiểu về các chính sách ưu đãi và quyết định lựa chọn. Từ đầu năm đến nay, Công ty đưa hơn 20 người đi làm việc tại Nhật Bản với chi phí khoảng 70-100 triệu đồng/người.
Tháng 12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước. Theo đó, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước đúng thời hạn và khởi nghiệp trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày nhập cảnh về nước sẽ được hỗ trợ học phí đào tạo.
Theo ông Đức, lao động đi làm việc ở Nhật Bản trước đây chỉ có thời hạn 3 năm sau đó phải về nước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với những lao động có kỹ năng, tay nghề thì có thể được gia hạn visa (thị thực) kéo dài thời hạn làm việc lên đến 5 năm. Trong thời gian 5 năm, NLĐ không vi phạm các quy định sẽ được cấp visa vĩnh trú (làm việc lâu dài ở nước này).
Ngoài ra, trong thời gian học giáo dục định hướng, học tiếng để chờ xuất cảnh, NLĐ thuộc đối tượng chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tiếng, ăn, ở. Cùng với đó, Công ty cũng có những chính sách hỗ trợ cho những lao động không thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn.
Còn bà Lê Thị Toan-cán bộ tuyển dụng lao động Công ty cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO thì cho hay: Hiện tại, NLĐ đi làm việc ở Ả Rập Xê Út được miễn 100% chi phí, ngoài ra còn được Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng để mua sắm đồ dùng cá nhân, hỗ trợ làm thủ tục, khám sức khỏe, làm hộ chiếu tư pháp. Sau đó, Công ty đưa NLĐ ra trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hóa để học giáo dục định hướng, dạy kỹ năng nghề 2 tháng hoàn toàn miễn phí. Sau khi NLĐ sang làm việc ở Ả Rập Xê Út, văn phòng đại diện của Công ty tại đây sẽ hỗ trợ trong suốt 2 năm từ công việc, tiền lương. Khi hết hạn hợp đồng, chủ sử dụng lao động sẽ mua vé máy bay cho NLĐ về nước. Khi lao động về nước cũng sẽ có cán bộ Công ty ra sân bay đón đưa họ về tới địa phương, gia đình. Lúc đấy, Công ty mới hoàn thành nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tương tự, ông Bùi Văn Vượng-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác Quốc tế CEMA-cho biết: Công ty tư vấn tuyển dụng lao động tại huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa đi làm việc ở Đài Loan, Algeria. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã đưa được hơn 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công ty hỗ trợ cho mỗi lao động vay 70 triệu đồng trong vòng 10 tháng, mỗi tháng trả 7,8 triệu đồng; hỗ trợ ăn, ở, học nghề miễn phí tại Hà Nội. Khoảng 1 tháng, NLĐ đủ điều kiện xuất cảnh sẽ được Công ty làm thủ tục visa.