Chìa khóa giúp Tân Minh thoát nghèo

Được hưởng 'trái ngọt' từ chương trình 135 của Chính phủ, sau một thời gian dài chính quyền và nhân dân xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn đã nỗ lực không ngừng để có bước chuyển từ vùng III lên vùng II, đến nay không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện. Ý chí vươn lên làm giàu của người dân được coi là chìa khóa giúp Tân Minh tiến xa hơn trên con đường thoát nghèo.

Mô hình vườn bưởi diễn, chuối tiêu hồng của gia đình chị Bùi Thị Định ở khu Dớn với quy mô 10 ha và 1.200 gốc.

(baophutho.vn) - Được hưởng “trái ngọt” từ chương trình 135 của Chính phủ, sau một thời gian dài chính quyền và nhân dân xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn đã nỗ lực không ngừng để có bước chuyển từ vùng III lên vùng II, đến nay không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện. Ý chí vươn lên làm giàu của người dân được coi là chìa khóa giúp Tân Minh tiến xa hơn trên con đường thoát nghèo.

Từ quốc lộ 70, chúng tôi vượt 5 km đường đồi núi quanh co mới đến trung tâm xã. Chủ tịch UBND xã Triệu Xuân Hiếu vừa đón phóng viên vừa hồ hởi nói: “May mà bây giờ đường xá thuận lợi nên đi vào ủy ban chỉ mất khoảng 15 phút. Trước đây đường đất, vừa ga vừa đẩy cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ”. Lời nói của vị Chủ tịch trẻ tuổi mở đầu cho câu chuyện thoát nghèo ở xã từng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Sự đổi thay hiện hữu ở cả diện mạo của địa phương và cả trong suy nghĩ của bà con.

Quay ngược khoảng thời gian chục năm về trước, toàn xã chỉ có khoảng 10 ngôi nhà kiên cố còn lại đều là tranh tre vách đất. 1.000 hộ dân và 4.000 nhân khẩu chủ yếu trông chờ vào trồng lúa và cây lâm nghiệp. Điện lưới không có, trường học cũng chỉ là những dãy nhà cấp bốn tạm bợ, đường xá chủ yếu là cấp phối, sỏi đá gồ ghề. Cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, vất vả với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 30,7% và hộ cận nghèo là 33,8%.

Nhà văn hóa khu Đồng Giao được sửa sang khang trang từ nguồn vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động và tiền của

Nay đến với Tân Minh, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở nơi đây, hệ thống giao thông nội đồng được bê tông hóa dài hút tầm mắt. Cả xã có hai km đường dân vận do nhân dân tự nguyện hiến đất và tiền bạc, ngày công để làm nên. Những tuyến đường bê tông chạy qua các đập tràn, nối liền các thôn xóm ở khu Mang Bão, Dớn, Gò Vố với các khu trung tâm. Điện lưới về tận khu đã thắp sáng cuộc sống của người dân một thời lam lũ vất vả. Có được kết quả trên là nhờ chính quyền đã triển khai và thực hiện tốt công tác dân vận, tạo nên sự đồng thuận cao trong nhân dân. Không chỉ các tuyến đường, ba nhà văn hóa khu Gằn, khu Nhàn Thượng và khu Dớn cũng được nhân dân góp tiền của, ngày công xây dựng, không chỉ đời sống vật chất mà đời sống tinh thần ở xã Tân Minh cũng ngày một được nâng cao.

Đến nay, tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố nay chỉ còn 2,9% với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn lần lượt là 12,5% (140 hộ) và 33,4% (430 hộ). Thu nhập của nhân dân nâng lên từ 8,5 triệu đồng (năm 2010) lên 28,5 triệu đồng (năm 2020). Đời sống được nâng cao đồng nghĩa với chất lượng giáo dục cũng được nâng cao. Toàn xã có ba trường học đều đã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I.

Đường bê tông nông thôn nối liền khu Mang Bão với trung tâm

Để đạt được những bước tiến như vậy, quá trình vận động, tuyên truyền của cấp ủy chính quyền đóng vai trò quan trọng. Hòa cũng sự phát triển chung của cả huyện, Đảng bộ xã nhận thấy không thể đứng ngoài guồng quay đó. Vì vậy, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là nội dung chính được xã triển khai trong nhiều năm liền. Chủ tịch UBND xã Triệu Xuân Hiếu chia sẻ: “Mới đầu, khi xã đề xuất chủ trương thoát nghèo từ vùng III lên vùng II, đã có nhiều người dân không hưởng ứng. Họ sợ rằng sẽ mất một số quyền lợi mà những vùng đặc biệt khó khăn được hưởng như bảo hiểm y tế, tiền lương, trợ cấp cho các đối tượng chính sách... Nhưng sau một thời gian tuyên truyền, vận động, nhân dân đã đồng tình ủng hộ. Đây là chìa khóa để bứt phá ra khỏi cái nghèo, vươn lên phát triển kinh tế”.

Xưởng chế biến gỗ bóc tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/năm

Không được hưởng những đãi ngộ ở các vùng đặc biệt khó khăn, nhân dân lại tích cực vận động làm kinh tế. Thay vì chỉ trồng cây nguyên liệu và xuất bán thô, cả xã nay đã có ba xưởng chế biến gỗ bóc tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức lương năm triệu đồng/người/tháng. Hai mô hình trồng chuối phấn vàng và bưởi diễn có quy mô hơn 10 ha với thu nhập hàng trăm triệu mỗi vụ là sinh kế cho nhiều gia đình trên vùng núi đá này.

Với đà phát triển như hiện nay, tin chắc rằng chỉ một vài năm nữa, xã Tân Minh sẽ bứt phá trở thành một trong những xã phát triển của huyện miền núi Thanh Sơn.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202108/chia-khoa-giup-tan-minh-thoat-ngheo-178779