Chìa khóa giúp Thụy Sĩ sớm sống chung với dịch COVID-19
Thụy Sĩ là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong việc thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, bao gồm cả tiêm vaccine cho trẻ em. Trong khi một số quốc gia khác vẫn còn duy trì các biện pháp hạn chế, Thụy Sĩ đã sớm học cách sống chung với dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và không có gia tăng đột biến về số ca nguy kịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, kể từ ngày 17/2, người dân Thụy Sĩ không còn bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng COVID-19 khi vào quán bar, nhà hàng và các địa điểm trong nhà khác như cơ sở thể thao, nhà hát hoặc phòng hòa nhạc. Từ ngày 1/4, đeo khẩu trang cũng không còn là quy định bắt buộc trong trường học, cửa hàng, phòng hòa nhạc, tại nơi làm việc hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng. Quy định cách ly 5 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng đã kết thúc vào ngày 31/3. Chính phủ Thụy Sĩ cũng tạm ngừng ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng không còn giới hạn về quy mô các cuộc họp riêng và các sự kiện lớn không còn phải xin phép.
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu cơ quan quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) Patrick Mathys nhận định nhờ mức độ miễn dịch cao, số lượng ca bệnh nặng hiện không có nguy cơ gây quá tải cho các cơ sở y tế. Sự lây lan hiện tại của virus SARS-CoV-2 không được thể hiện nhiều qua các dữ liệu do có nhiều trường hợp nhiễm không được báo cáo, tuy nhiên tỷ lệ nhập viện giảm cho thấy dịch bệnh diễn biến theo hướng tích cực hơn. được thể hiện rất ít qua dữ liệu hiện có về các ca nhiễm mới vì có nhiều trường hợp không được báo cáo.
Tới nay Thụy Sĩ đã phê duyệt 4 loại vaccine, gồm vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (J&J) và Nuvaxovid. Các cơ quan y tế Thụy Sĩ khuyến nghị người dân nên tiêm vaccine công nghệ mRNA (của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna) để có thể tạo lớp bảo vệ tốt hơn chống lại bệnh COVID-19 và những hậu quả tiềm ẩn sau này. Trong trường hợp không thể tiêm vaccine mRNA vì lý do y tế hoặc nếu muốn từ chối vaccine mRNA, người dân có thể tiêm vaccine vector của J&J. Từ đầu năm nay, trẻ em ở Thụy Sĩ trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi cũng đã có thể được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech. Tại Geneva, tất cả mọi người từ 5 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm chủng COVID-19, thậm chí không cần hẹn trước. Cơ quan quản lý y tế Thụy Sĩ Swissmedic ngày 13/5 vừa qua cũng đã phê duyệt thêm vaccine Spikevax ngừa COVID-19 của Moderna để sử dụng cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi, được chia làm 2 liều 50 microgam và tiêm cách nhau 4 tuần. FOPH và Ủy ban liên bang về tiêm chủng (FCV) cũng khuyến nghị mũi tiêm nhắc lại có thể được tiêm sớm nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 hoặc sau khi đã khỏi bệnh.
Tại Thụy Sĩ, để được tiêm chủng, người dân đáp ứng các tiêu chí về nơi cư trú, quốc tịch và/hoặc bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc ưu tiên tiêm chủng được căn cứ vào độ tuổi và tình trạng dễ bị tổn thương của người có nhu cầu. Chi phí tiêm vaccine ngừa COVID-19 do bảo hiểm y tế bắt buộc chi trả. Các chi phí không được bảo hiểm y tế chi trả do chính phủ liên bang và các bang hỗ trợ. Điều này áp dụng cho cả việc tiêm liều cơ bản và mũi vaccine tăng cường.
Có thể nói, vaccine là chìa khóa giúp Thụy Sĩ dần khôi phục cuộc sống bình thường và học cách sống chung với dịch COVID-19. Việc tiêm vaccine giúp người dân tránh nguy cơ mắc bệnh nặng khi mắc COVID-19, ngăn ngừa tác động gây suy nhược lâu dài có thể xảy ra vì căn bệnh này hoặc có thể được miễn nhiễm một cách an toàn. Điều này không những giúp giảm bớt áp lực cho ngành y tế, bảo vệ những người xung quanh, mà còn tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi có các cuộc gặp gỡ xã hội, qua đó tăng cường sức khỏe tinh thần và giúp hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19.