'Chìa khóa' góp phần giúp Đông Nam Á vượt qua khủng hoảng khí hậu

Khá bất ngờ và thú vị khi giảm tiêu thụ thịt động vật (protein động vật) để chuyển sang các loại protein thay thế khác lại được xem như là một chìa khóa có thể góp phần giúp các quốc gia Đông Nam Á vượt qua khủng hoảng khí hậu từ nay đến năm 2030.

Việc giảm sử dụng protein động vật góp phần giúp khu vực Đông Nam Á giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Việc giảm sử dụng protein động vật góp phần giúp khu vực Đông Nam Á giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), với diễn biến hiện nay của biến đổi khí hậu do sự nóng lên toàn cầu, đang gây ra những tác động ngày càng nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao là nguyên nhân đe dọa đến cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Deltares của Hà Lan, hiện có khoảng 157 triệu người dân Đông Nam Á đang sống ở những nơi thấp 2 m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới. IPCC còn đưa ra cảnh báo rằng, với việc bề mặt Trái đất ngày càng nóng lên, mực nước biển có thể sẽ dâng cao thêm 0,8 m vào năm 2100 so với hiện nay. Nếu như mực nước biển tăng lên 1 m khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư sẽ chìm sâu trong nước, 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ đó.

Trong khi đó, nghiên cứu của Trung tâm Khí hậu thuộc tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho thấy, mực nước biển dâng cao còn làm tổn hại đến nền kinh tế các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề về môi trường, mà còn làm nguy hại đến nền kinh tế, gây ra các vấn đề về xã hội với khu vực. Hàng triệu người phải sống trong các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, mất đi chỗ ở và sinh kế. Mực nước biển dâng cao kết hợp với tình trạng nóng lên toàn cầu tạo ra nhiều cơn bão xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, hiện tượng hạn hán do biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân các nước Đông Nam Á khi các nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và khai thác nguồn lợi thủy sản đang dần bị cạn kiệt.

Các quốc gia Đông Nam Á không chỉ đang chịu tác động từ lũ lụt, hạn hán do biến đổi khí hậu, mà còn đang chịu sự mất đa dạng sinh học. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ, nhất là khi nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho những nơi, như vùng thượng nguồn sông Mekong đang phụ thuộc vào nguồn nước nhờ hiện tượng băng tan sẽ bị mất đi nguồn nước ngọt do băng đã bị mất đi. Bên cạnh đó, các hoạt động chặt phá rừng cũng làm gia tăng khí nhà kính. Điển hình là Indonesia, một trong những nước có diện tích rừng lớn trên thế giới, chịu ảnh hưởng bởi sự xói mòn do các hoạt động chặt phá rừng phục vụ cho sản xuất giấy và dầu cọ.

Nằm ven bờ biển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam, thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1-1,5% GDP. Từ năm 2019 đến cuối năm 2022, tổng số thiệt hại về người là 763 người; thiệt hại về kinh tế là hơn 71 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm thiên tai lịch sử 2020, có 357 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 40 nghìn tỷ đồng.

Giảm thiểu “dấu chân carbon”

Các quốc gia Đông Nam Á đã luôn nỗ lực góp phần vào cố gắng chung của thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu và điều then chốt là ngăn tình trạng nóng lên của bề mặt Trái đất. Hiện nay, các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ bề mặt Trái đất không vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp vào năm 2030. Theo đó, các nước Đông Nam Á cần phải cắt giảm lượng carbon dioxide - khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên - ít nhất 45% cho tới năm 2030.

Song song với cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá… Đông Nam Á cũng thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Những nguồn năng lượng tái tạo này đang được các nước khu vực triển mạnh để thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch.

Khoảng 60% nguồn năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á hiện đang được sử dụng để làm điện, hầu hết tập trung ở các nước khu vực sông Mekong như: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Trong đó, Việt Nam hiện đang là nước có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời đã phát triển lên đến hơn 50%, xếp sau là Thái Lan với 25%. Năng lượng gió tuy ít được sử dụng hơn so với năng lượng mặt trời, nhưng được coi là có tiềm năng tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.

Rất đáng chú ý, khi cùng với việc phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu năng lượng hóa thạch, giới khoa học vừa đưa ra một giải pháp nhằm giúp Đông Nam Á kiềm chế tình trạng nóng lên của bề mặt Trái đất. Trong bài viết đăng ngày 15-8 trên trang tin CNBC của Mỹ, các chuyên gia cho rằng, việc giảm tiêu thụ thịt động vật và các sản phẩm từ sữa động vật có thể là một “chìa khóa” góp phần giúp khu vực Đông Nam Á vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu.

Bài báo dẫn một báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Công ty Asia Research Engagement (ARE) có trụ sở ở Singapore cho biết, hoạt động chăn nuôi quy mô lớn được coi là một trong những nguồn phát thải khí thải carbon lớn, đồng thời là “thủ phạm” chính gây ra tình trạng phá rừng và mất đa dạng sinh học. Nguyên nhân là vì các nhà cung cấp thực phẩm phá rừng để mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng các loại cây làm thức ăn cho gia súc.

Theo ARE, sản xuất chăn nuôi sinh ra nguồn khí thải carbon mà công ty này gọi là “dấu chân carbon” lớn hơn so với các loại cây lương thực do sử dụng nhiều tài nguyên hơn. ARE cho rằng, mặc dù “dấu chân carbon” là vấn đề toàn cầu, nhưng trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước châu Á vì châu lục này cung cấp hơn 50% lượng thực phẩm protein động vật trên thị trường thế giới, bao gồm cả động vật trên cạn và động vật dưới nước.

Trong khi đó, một báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting Group công bố năm 2022 cho biết, mỗi USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa động vật giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn 7 lần so với đầu tư phát triển các tòa nhà xanh và hơn 11 lần so với đầu tư phát triển ôtô không khí thải. Theo Viện nghiên cứu Thực phẩm Lành mạnh châu Á-Thái Bình Dương (Good Food Institute APAC), tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các loại protein thay thế protein động vật do vậy đã tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2019 lên 5 tỷ USD vào năm 2021.

Từ những nghiên cứu và thực tế trên, ARE khuyến nghị, để góp phần vào nỗ lực ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ nay đến năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á cần giảm sản lượng thực phẩm protein động vật và chuyển sang các loại protein thay thế. Công ty này cũng dự báo, đến năm 2060, các loại protein thay thế protein động vật có thể sẽ chiếm hơn 50% lượng thực phẩm protein ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Good Food Institute APAC cho rằng, việc các quốc gia ưu tiên sản xuất và phát triển các loại protein thay thế sẽ giúp giảm đáng kể tác động do các hoạt động của con người gây ra đối với khí hậu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chia-khoa-gop-phan-giup-dong-nam-a-vuot-qua-khung-hoang-khi-hau-post549165.antd