Chìa khóa hòa bình của Tòa án quốc tế về Luật biển
Sự ra đời của UNCLOS 1982 đã mở ra kỷ nguyên mới trong quản trị đại dương, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và đại dương.
Hội thảo khu vực về Vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật biển, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) tổ chức, đã kết thúc sau 2 ngày làm việc. Luật pháp quốc tế được cho là chìa khóa để các nước giải quyết tranh chấp trên biển và đại dương.
Chánh án, Phó Chánh án, các thẩm phán và lục sự của Tòa án quốc tế về Luật biển đã có mặt tại Hà Nội để làm rõ vai trò của ITLOS; thẩm quyền và cách thức các vụ việc được Tòa thụ lý, giải quyết.
Theo đó, sự ra đời của UNCLOS 1982 được khẳng định đã mở ra kỷ nguyên mới trong quản trị đại dương, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Trên cơ sở của Công ước, sự ra đời của Tòa ITLOS tạo động lực cho cơ chế giải quyết tranh chấp biển phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chánh án Tomas Heidar, Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), nhận định: "Từ những vụ việc đơn giản tới phức tạp, Tòa án quốc tế về Luật biển đã giải quyết và tư vấn cho rất nhiều quốc gia. Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng hành cùng ITLOS trong việc tổ chức Hội thảo lần này. Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện bởi lẽ Việt Nam là quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với biển, không chỉ xét từ vị trí địa lý mà còn thể hiện trong các cam kết lâu dài của Việt Nam đối với Công ước UNCLOS 1982".
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết: "Trong 30 năm qua, Tòa án quốc tế về Luật biển đã khẳng định vai trò của mình trong việc giúp các quốc gia là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương một cách hòa bình. Cho đến nay, Tòa đã giải quyết thành công 32 vụ việc, giúp các thành viên thực thi công ước một cách thiện chí, củng cố hòa bình và quản lý đại dương một cách bền vững". PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cũng là người được Việt Nam giới thiệu ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Hội thảo là sự kiện quan trọng trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang ngày càng quan tâm đến vấn đề giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.