'Chìa khóa' mở cánh cửa cho người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đã được thực hiện, thắp lên ánh sáng niềm tin để người hoàn lương tìm lại con đường lương thiện, hướng về phía trước tốt đẹp.
Hàng chục người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư làm kinh tế. Mỗi người được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Anh Nguyễn Anh Hiền ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long là đối tượng từng có 4 tiền án về tội trộm cắp tài sản, sau khi chấp hành xong án phạt tù đã được Trưởng Công an phường động viên và tư vấn vay vốn để buôn bán. Được sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của Công an phường và chính quyền địa phương, anh được vay vốn mua chiếc xe tải nhỏ bán trái cây. Thời gian đầu mới ra tù gặp nhiều khó khăn nhưng bây giờ sau hơn 2 năm nỗ lực, việc buôn bán thuận lợi, cuộc sống gia đình anh đã cơ bản ổn định hơn.
“Hành trình của tôi vốn chỉ là con số không nhưng có sự giúp đỡ của chính quyền, của lực lượng Công an và ngành chức năng, giờ đã có thêm nhiều hi vọng. Tôi có công việc dù vất vả một chút nhưng thoải mái đầu óc. Công việc giúp tôi buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình”, anh Hiền nói.
Đại úy Trần Minh Bá, Trưởng Công an phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long cho biết: “Có nguồn vốn tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi rất thuận lợi trong việc giúp đỡ các đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Bởi, khi có nguồn vốn mình mới định hướng cho các đối tượng về công ăn việc làm, giúp họ có suy nghĩ tích cực hơn, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế”.
Đến nay, Bình Long đã giải quyết nhu cầu vay vốn cho 22 trường hợp với số vốn vay từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tổng số vốn vay trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã.
Còn Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh đến nay cũng đã giải ngân cho vay 25 lượt người với số tiền 1 tỷ 780 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 18 người được vay vốn với số tiền giải ngân 1 tỷ 380 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù.
Ngân hàng CSXH huyện Phú Riềng cũng đã giải ngân 3,1 tỷ đồng cho 32 trường hợp vay thuộc chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện. Nguồn vốn vay này không chỉ tạo điều kiện cho người hoàn lương nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm của họ.
Hơn 2 năm quay lại với cuộc sống đời thường, anh Nguyễn Trung Thành ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng giờ là thanh niên điển hình tiên tiến của xã với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay, anh Thành mua con giống chăn nuôi. Lợi nhuận từ mô hình này, anh tích cóp để phát triển thêm mô hình khác, vừa là đam mê vừa tạo nên sự đa dạng trong chăn nuôi.
Quá khứ lầm lỗi đã ở lại phía sau, anh Thành tiếp tục dìu dắt những người đã từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Hiện anh đang hỗ trợ 2 thanh niên cũng là người tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm có thêm thu nhập và không quay lại đường cũ.
“Sự đồng hành của cộng đồng xã hội và chính quyền địa phương vượt xa sự trông đợi của mình. Những đề nghị được trợ giúp của mình đều nhận được lời hồi đáp với sự giúp đỡ nhiệt tình từ lực lượng Công an và chính quyền địa phương. Mình được ưu tiên rất nhiều trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Mình luôn thấy biết ơn vì điều đó, bởi mình không hề đơn độc, không hề bị bỏ lại phía sau”, anh Thành chia sẻ.
Một thực tế cho thấy, sau khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều người chưa có công ăn việc làm. Thêm vào đó với tâm lý của những người không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật khi trở về với cộng đồng ít nhiều không khỏi tự ti, mặc cảm, không có vốn làm ăn… Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể đã làm cho người chấp hành xong án phạt tù cảm thấy ấm lòng và quyết tâm thay đổi cuộc sống tốt hơn.
Nguồn vốn vay không chỉ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo điều kiện để những thành viên trong gia đình có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND các địa phương cùng các ban, ngành thường xuyên tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, cơ quan, đoàn thể tại cơ sở về công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, giúp cho những người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đào tạo nghề hoặc để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Thượng tá Trịnh Đức Doanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Bình Phước cho biết, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đều được lập hồ sơ quản lý, giám sát, địa phương luôn tạo điều kiện cho họ chấp hành tốt nghĩa vụ của người chấp hành án, nghĩa vụ của công dân.
Chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm xóa bỏ định kiến, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, phòng ngừa tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù, trở về địa phương sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.