'Chìa khóa' mở đường cho Yên Bái phát triển bền vững
Đúng 20 giờ, ngày Chủ nhật - 24/9/2023, tại quảng trường trung tâm tỉnh sẽ diễn ra buổi lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Yên Bái là đô thị loại II và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này sẽ là 'chìa khóa' mở đường cho sự phát triển bền vững theo hướng 'Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc' của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn mới.
Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, mỗi vùng miền hay cả đất nước thì quy hoạch luôn được xem là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội (KTXH), phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển đi lên của xã hội.
Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đi lên ấy của tỉnh Yên Bái.
Mục tiêu Quy hoạch tỉnh Yên Bái hướng tới, đó là mang lại những lợi ích cao nhất cho tỉnh gắn với lợi ích của khu vực và của đất nước. Điều đó, đòi hỏi các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phải cùng đồng thuận nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới và đột phá hơn nữa trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, chỉ đạo các ban, sở, ngành trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lý quy hoạch; tham mưu đề xuất và tổ chức triển khai các nội dung theo quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương; không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện quy hoạch hiệu quả.
>> Động lực đưa Yên Bái phát triển nhanh và bền vững
Theo đó, phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành về xây dựng, đất đai, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã được phê duyệt, làm cơ sở đề xuất cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Điều đó, đã được minh chứng rõ nét bằng thành công của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở trong triển khai thực hiện quy hoạch thành phố Yên Bái thời gian qua.
Năm 2001, thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Yên Bái. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.
Đến nay, sau 22 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy lợi thế và khẳng định vị trí quan trọng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trung tâm kết nối, giao thương với các đô thị lớn, đảm nhận vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc, thành phố Yên Bái đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị.
Theo đó, các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn như: công trình cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Tuần Quán; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; Dự án nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới… đã góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố hình thành một đô thị giàu bản sắc, đa dạng về văn hóa, phong phú về tài nguyên du lịch sinh thái, tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển KTXH thành phố nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Cụ thể, năm 2022 vừa qua, thành phố Yên Bái đã đóng góp trên 30% vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh, đưa Yên Bái lên vị trí thứ 6/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Chính sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã xây nền móng vững chắc để hôm nay thành phố Yên Bái đã biến khát vọng "Đô thị loại II” trở thành hiện thực trong vỡ òa những cung bậc cảm xúc xen lẫn vinh dự, tự hào.
>> Thành phố thông minh, đô thị hạnh phúc
Niềm vui ấy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung còn được nhân lên cùng niềm vui kép được đón Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nuớc tặng thưởng tại buổi lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 này.
Ngay sau Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái, chắc chắn các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được tỉnh ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành, theo lộ trình, thời gian gắn với từng sản phẩm cụ thể, bảo đảm tính thống nhất, khoa học, bền vững, làm căn cứ huy động hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, góp phần cùng các tỉnh, thành xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập và phát triển.
Sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành phố Yên Bái là đô thị loại II và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì sẽ tiếp tục mở ra những triển vọng mới trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị tỉnh lỵ, lan tỏa mạnh mẽ khát vọng vươn lên và khí thế thi yêu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với quyết tâm xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị văn minh, sinh thái, thành động lực của khu vực Tây Bắc và xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.