Chìa khóa mới của Trung Quốc tại châu Âu

Hungary đang trở thành một đối tác ngày một then chốt với Trung Quốc tại châu Âu. Vì sao?

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto và người đồng cấp chủ nhà Tần Cương tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/5/2023. (Nguồn: Hungary Today)

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto và người đồng cấp chủ nhà Tần Cương tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/5/2023. (Nguồn: Hungary Today)

Trước hết, châu Âu có vai trò quan trọng với Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh. Đồng thời, khối này có thể, nếu muốn, giảm thiểu tác động từ đối đầu Mỹ - Trung bằng cách theo đuổi cách tiếp cận bớt tập trung vào an ninh hơn.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng, các nước châu Âu không nên “bám chân” Mỹ trong vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, châu Âu đang duy trì thái độ thận trọng với Trung Quốc. Vừa qua, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Joseph Borell đã nhấn mạnh rằng, cần có chiến lược chung của khối về Trung Quốc.

Đặc biệt, giới hoạch định chính sách của Bắc Kinh tỏ ra cảnh giác trước kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Tokyo ngày 21/5, trong đó có đề xuất về hợp tác giữa một số nước châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu để kiểm soát ảnh hưởng cường quốc châu Á.

Trong bối cảnh đó, với vị trí đặc biệt của mình, Hungary có thể mang lại nhiều lợi ích đối ngoại cho Trung Quốc. Là thành viên của EU, Budapest có phiếu phủ quyết đề xuất chính sách đối ngoại và an ninh của khối. Trong quá khứ, đất nước Trung Âu đã nhiều lần sử dụng quyền hạn của mình để ngăn cản các nước thành viên còn lại đưa ra chỉ trích gay gắt với Trung Quốc.

Hungary là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối quân sự có xu hướng mở rộng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương. Vừa qua, chính đất nước Trung Âu này cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã cản bước Thụy Điển gia nhập NATO.

Quan trọng hơn, Bắc Kinh và Budapest có mối quan hệ tốt đẹp, với điểm tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực, quốc tế quan trọng. Cả Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga và luôn hoài nghi về tầm ảnh hưởng của Mỹ cùng phương Tây.

Trong chuyến công du châu Âu hồi tháng Hai, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã dừng chân ở Hungary trước khi tới Nga. Ông đánh giá cao “chính sách thân thiện với Trung Quốc” của Budapest.

Đáp lại, phát biểu khi thăm Bắc Kinh ngày 15/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, hợp tác giữa nước này và chủ nhà mang đến “nhiều cơ hội hơn là thách thức”. Về phần mình, ông Vương Nghị nhận định quan hệ song phương đang đi vào “giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Trong năm 2021, hai bên công bố dự án về xây dựng cơ sở của trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) trên lãnh thổ Hungary với số vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD. Một khi khánh thành, đây sẽ là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Trung Quốc ở EU và cơ sở giáo dục nước ngoài đầu tiên của ngôi trường có trụ sở tại Thượng Hải. Tháng 8/2022, Hungary cũng công bố dự án của CATL, tập đoàn sản xuất pin của Trung Quốc, tại làng Mikepercs, ngoại ô Debrecen với số vốn 7,7 tỷ USD.

Cuối cùng, với giới học giả Trung Quốc, mối quan hệ tốt đẹp với Hungary sẽ là chìa khóa cho vị thế của cường quốc châu Á với châu Âu. Trong nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí nghiên cứu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, học giả nước này nêu rõ: “Tìm hiểu lập trường (của Hungary) về Trung Quốc sẽ cung cấp bài học quan trọng trong xây dựng mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc và châu Âu”.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chia-khoa-moi-cua-trung-quoc-tai-chau-au-230211.html