'Chìa khóa' nâng tầm nông sản thời 4.0

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, làm 'đòn bẩy' để phát triển nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong thời 4.0.

Mô hình trồng dưa leo trong nhà màng áp dụng công nghệ mới của Công ty CP vật tư giống nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam giúp sản phẩm đạt hạng OCOP.

Mô hình trồng dưa leo trong nhà màng áp dụng công nghệ mới của Công ty CP vật tư giống nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam giúp sản phẩm đạt hạng OCOP.

"Đòn bẩy" phát triển nông nghiệp

Từ Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 16/12/2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hạ Hòa về phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tăng cường liên kết mở rộng quy mô sản xuất. Các chương trình nông nghiệp trọng điểm được triển khai thực hiện có hiệu quả với tổng kinh phí thực hiện trên 36 tỉ đồng...

Huyện cũng đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao áp dụng quy trình VietGAP; vùng rau màu, vùng sản xuất chè nguyên liệu, vùng thủy sản, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng trọng điểm trồng ngô sinh khối...

Nhờ các chính sách hỗ trợ, mô hình sản xuất ứng dụng TBKT của Chi nhánh công ty TNHH thương mại và dịch vụ Biển Xanh, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa xây dựng được hệ thống nhà lưới, đầu tư trồng các loại rau, quả cao cấp như dưa lưới, dưa lê hoàng kim, bí ngòi... Các loại cây trồng khác được quy hoạch thành từng vùng trồng tập trung, thuận tiện cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Đặc biệt, toàn bộ khu vực gieo trồng đã được Công ty đầu tư hệ thống tưới tự động, các loại phân bón đều được pha sẵn từ đầu hệ thống, giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian, chi phí. Trong quá trình sản xuất, Công ty luôn thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy đến nay, Công ty đã có năm sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP, trong đó có ba sản phẩm đạt hạng bốn sao.

Ông Hà Văn Tú- Giám đốc chi nhánh Công ty chia sẻ: "Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản ngày càng cao, nhất là khi thế giới bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, Công ty xác định phải đẩy mạnh việc ứng dụng TBKT, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Đồng thời đầu tư xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đạt hạng OCOP... Từ đó, tạo thuận lợi trong việc nâng cao giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh".

Không chỉ Hạ Hòa mà các huyện khác như: Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Cẩm Khê... đều có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, diện tích lớn, thuận tiện áp dụng TBKT, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển thương phẩm, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, các chính sách đó đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo động lực để người nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần nâng tầm cho nông sản Phú Thọ.

Nông dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với giá thành cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Phát huy lợi thế, phát triển bền vững

Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng giá trị nông sản, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển nông nghiệp là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện đại, bền vững, nền tảng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp đa dạng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản theo hướng OCOP...

Với sự lãnh đạo toàn diện, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, đóng vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 3,3%. Giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 125,5 triệu đồng, tăng 15,9 triệu đồng so với năm 2020. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh, lũy kế đến nay có 249 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, có 66 chủ thể đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất.

Cây trồng chủ lực, có lợi thế phát triển theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã thực hiện thiết lập, cấp và quản lý 52 mã số cho 43 vùng trồng với tổng diện tích 1.630ha, trong đó phục vụ xuất khẩu có 27 mã với diện tích trên 650ha. Tỉ lệ đàn vật nuôi đảm bảo sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với đàn lợn đạt 42%, đàn gà đạt 15%...

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với kinh tế nông nghiệp hiện đại, ngành Nông nghiệp đã tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo các Nghị quyết số: 05/2019/NQ-HĐND, số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh. Trong hai năm 2021, 2022 đã thực hiện hỗ trợ 34 doanh nghiệp, 81 HTX, 65 THT, năm trang trại và khoảng 5.000 hộ gia đình liên kết sản xuất quy mô lớn được hưởng hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện 58,3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung: 166 vùng sản xuất bưởi tập trung với tổng diện tích 2,69 nghìn ha, 70 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5,8 nghìn ha, 33 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích đạt 1,1 nghìn ha, 157 vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung với tổng diện tích 11,3 nghìn ha... Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP và nhiều nội dung khác trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết của Đảng các cấp đề ra.

Theo ông Trần Tú Anh- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, để nông sản khẳng định vị thế, dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Cần đầu tư về bao bì, nhãn mác, công nghệ sau thu hoạch cần được quan tâm. Đồng thời, cần quy hoạch lại vùng trồng, nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh cung vượt cầu. Tận dụng tốt các lợi thế của tỉnh để sản xuất các mặt hàng đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản Phú Thọ, thích ứng với giai đoạn công, nông nghiệp 4.0 hiện nay.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/chia-khoa-nang-tam-nong-san-thoi-4-0/203973.htm