'Chìa khóa' nào để doanh nghiệp Việt lấy lại đơn hàng?

Nhìn vào áp lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam sẽ thấy nếu muốn cải thiện tình hình xuất khẩu trong quý 3 và quý 4/2023 sẽ phải cần một loạt giải pháp chiến lược có tính đồng bộ từ phía doanh nghiệp. Đây cũng điều mà các lĩnh vực xuất khẩu khác cần 'soi' lại những mặt hạn chế của mình, biến áp lực thành đổi mới quy trình, tìm ra 'chìa khóa' để lấy lại đơn hàng từ tay đối thủ.

Biên bản đại hội cổ đông thường niên 2023 công bố vào hạ tuần tháng 6/2023 của CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) đã nhận định vẫn có tín hiệu tích cực cho giai đoạn cuối năm. Từ quý 3 và quý 4/2023, thị trường dự kiến tốt hơn, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng tồn kho, sẽ có lợi nhuận, tự tin hoàn thành kế hoạch.

Nhìn vào áp lực của ngành tôm

Tại đại hội, lãnh đạo Minh Phú đã có những thông tin giải tỏa băn khoăn của một số cổ đông về tình hình sản xuất kinh doanh vào các tháng cuối năm. Cụ thể, hiện nay, theo dữ liệu thu thập, do giá nguyên liệu thấp nên lượng ao treo - không nuôi ở Ấn Độ, Việt Nam ước tính khoảng từ 30% đến 50%. Còn tại Ecuador đang bị hiện tượng EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi.

Các nhà sản xuất vừa và nhỏ trong nước cần biến áp lực cạnh tranh thành đổi mới quy trình để lấy lại đơn hàng từ tay đối thủ.

Các nhà sản xuất vừa và nhỏ trong nước cần biến áp lực cạnh tranh thành đổi mới quy trình để lấy lại đơn hàng từ tay đối thủ.

Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu dự kiến sẽ thiếu hụt vào cuối năm nay, các đơn vị có cơ hội bán và giảm tồn kho. Không chỉ vậy, cuối năm có lễ hội Noel, Tết Nguyên đán ở châu Á, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên. Dự kiến kể từ tháng 8/2023 trở đi, giá tôm sẽ tăng, sẽ giải quyết được hàng tồn kho, tình hình kinh doanh của Minh Phú sẽ tốt hơn từ tháng 8/2023.

Tuy thế, giới chuyên gia lưu ý hiện giá thành tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 - 5 USD/kg, trong khi tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador lại còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành tôm của Việt Nam có thể khó giải phóng được lượng hàng tồn kho trong các tháng tới.

Nhất là giá thành tôm của Việt Nam đang rất cao so với Ấn Độ và Ecuador do tỷ lệ tôm nuôi thành công chỉ dưới 40%, trong khi tỷ lệ nuôi thành công của Ấn Độ là 60-70%, của Ecuador trên 90%.

Cho nên, khi bước vào quý 3 và quý 4/2023, để các DN trong ngành tôm ở Việt Nam có đơn hàng, cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador, điều quan trọng mà các DN cần tập trung các giải pháp chiến lược có tính đồng bộ.

Như giải pháp từ phía Minh Phú đưa ra là: Tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có. Hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống. Sản xuất tôm giống kháng bệnh. Hoàn thiện các mô hình nuôi tôm, nuôi tôm kháng bệnh, mật độ thấp vừa sức tải môi trường.

Ngoài ra, để cải thiện XK tôm trong thời gian tới, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), các DN phải đạt những chuẩn mực do bên hệ thống tiêu thụ đưa ra. Phổ biến hiện nay không chỉ là trách nhiệm xã hội, còn là bình đẳng giới, còn là công bằng thương mại (FAIR TRADE)…

Và tổng quát hơn, đầy đủ hơn, theo ông Lực, đó là đòi hỏi thực hiện bộ tiêu chí môi trường – xã hội – quản trị (viết tắt là ESG). ESG đang trở thành chuẩn mực phổ biến, các DN tới đây phải chú tâm thực hiện, nếu muốn chen chân giành miếng bánh thị phần cao cấp.

Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản sạch Việt Nam, với lợi thế ngành sản xuất tôm giá trị gia tăng, trong giai đoạn đầy thách thức này, các DN ngành tôm Việt Nam cần nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất và giữ thị trường.

Ông Phục cho rằng, dù cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, nhưng nhu cầu đối với hàng giá trị gia tăng vẫn rất lớn. Trong khi đó, DN Việt Nam lại có kinh nghiệm trong nhiều năm về thị trường, về khách hàng, về sản phẩm, quản lý sản xuất… hơn hẳn các nước như Ấn Độ hay Indonesia. Do đó, nếu các DN làm tốt và cố gắng duy trì qua giai đoạn khó khăn thì sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Biến áp lực thành đổi mới quy trình

Nhìn vào những áp lực của ngành tôm Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh cũng là để DN ở các lĩnh vực XK khác cần “soi” lại những mặt hạn chế của mình và tìm ra “chìa khóa” để cải thiện đơn hàng trong nửa cuối năm 2023.

Chẳng hạn như với dệt may, trong hai quý đầu năm 2023, Việt Nam đã đánh mất vị trí và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may vào tay Bangladesh. Điều này một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp Dệt may Việt Nam (Vitas), đã chỉ rõ trong thời gian tới, ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế.

Cho nên, các DN xuất khẩu dệt may cần nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.

Giải pháp được Chủ tịch Vitas đưa ra cho các DN là số hóa, đầu tư về công nghệ được coi là “chìa khóa” giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng. Đây sẽ là động lực cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam so với các đối thủ.

Trong khi đó, theo chia sẻ của Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT), chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà XK Việt Nam và cơ hội lấy được đơn hàng.

Ts. Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, áp lực cạnh tranh hiện nay đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước áp dụng đổi mới hệ sinh thái, kéo theo công cụ dựa trên thị trường, năng lực công nghệ, nhu cầu xanh của khách hàng và năng lực môi trường của tổ chức.

Vị chuyên gia của RMIT cũng nhấn mạnh đến việc tìm kiếm và học hỏi các quy trình sinh thái mới, đồng thời nhanh chóng áp dụng các quy trình sạch hơn có thể là một giải pháp sinh thái khả thi. Đổi lại, các công ty sản xuất của Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ những cải tiến quy trình này, chẳng hạn như cải thiện chất lượng và giảm chi phí, và cuối cùng là sự chấp nhận của khách hàng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chia-khoa-nao-de-doanh-nghiep-viet-lay-lai-don-hang-1093491.html