'Chìa khóa' phát triển nông nghiệp bền vững
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường đã và đang đặt ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp Bình Phước. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề nêu trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm kinh tế nông nghiệp Bình Phước phát triển bền vững.
Hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao
Chuyển giao khoa học - kỹ thuật được xem là “chìa khóa” giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Do đó, nhiều năm qua, Sở KH&CN luôn tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng 2 năm 2021-2022, ngoài các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, sở còn hoàn thành 17/22 nhiệm vụ KH&CN cơ sở.
Các nhiệm vụ được triển khai theo định hướng ứng dụng KH&CN, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đối với những địa bàn khó khăn, sở đã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng đa canh, tích hợp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, ưu tiên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, các xã đang xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, tiến hành khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; đưa các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng an toàn sinh học để nông dân áp dụng, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân.
Tỉnh còn hỗ trợ các địa phương tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, đặc sản địa phương, như: cao su, điều, tiêu, nhãn, gà thả vườn… Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu quả, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bình Phước cũng đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Đồng thời, xác định được thế mạnh của từng vùng có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa điểm để xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; loại hình tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp...
Việc áp dụng công nghệ mới trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao cũng được ngành KH&CN tỉnh khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp thực hiện. Từ khi đưa công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tăng từ 40-50 lần so với mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Nhiều đề tài, dự án được triển khai
Để giúp người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác trên cây điều, tháng 11-2019, Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước đã đồng ý Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng bộ phân bón lá nano trong trồng điều ở tỉnh Bình Phước”. Đề tài thực hiện và đưa vào ứng dụng thử nghiệm trên 3 ha điều ghép của 3 hộ dân thuộc 2 huyện Bù Đăng và Đồng Phú trong thời gian 3 năm. Kết quả cho thấy, vụ điều 2021-2022, năng suất vườn điều sử dụng phân bón lá nano đạt trên 2,1 tấn/ha, tăng 12% so với vườn không sử dụng phân bón lá, có vườn đạt tới 3,3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng phân bón lá nano so với không dùng phân bón lá trung bình ở 3 địa điểm tăng 9,2%. Đề tài thành công đã mở ra một hướng mới trong chăm sóc cây điều theo hướng công nghệ cao, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh và cơ hội làm giàu cho người dân Bình Phước.
Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu là nỗi lo không chỉ của nông dân mà của các cấp, ngành. Năm 2019, Hội đồng KH&CN tỉnh đã lựa chọn Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu đen tại tỉnh Bình Phước”. Thời gian thực hiện 2,5 năm. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo, đánh giá hiệu lực và đề xuất 2 chế phẩm chiết xuất sinh học có khả năng phòng, trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu đen đã được ứng dụng, chấm điểm trên 7 tiêu chí tại các vườn tiêu thử nghiệm trên địa bàn tỉnh. Sau khi áp dụng quy trình quản lý tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học, các vườn tiêu được thử nghiệm đã giảm tỷ lệ cây tiêu chết trong vườn từ trên 20% xuống còn 0,7%. Tất cả cây tiêu có dấu hiệu bệnh đều phục hồi, đâm chồi non và phát triển tốt, đặc biệt cho năng suất cao hơn 50% so với vườn tiêu khác trong vùng.
Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi trên địa bàn tỉnh Bình Phước” cũng được Trung tâm KH&CN tỉnh thực hiện thí điểm thành công tại 30 ha bưởi da xanh 5 năm tuổi của Hợp tác xã bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp. Sau 1 năm sử dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA, cành bưởi da xanh tại mô hình ít bị bệnh xì gôm chảy nhựa, vàng lá, thối rễ. Mật độ tuyến trùng trong rễ từ 85 cá thể/5g rễ, giảm xuống còn 71 cá thể/5g rễ. So với vườn đối chứng sử dụng các thuốc hóa học xử lý tuyến trùng thì mật độ tuyến trùng tương đương nhau. Như vậy, người dân có thể sử dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA thay thế các loại thuốc hóa học để phòng, chống các bệnh do tuyến trùng trực tiếp hoặc gián tiếp kết hợp với các loại nấm gây bệnh trên cây có múi.
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng
Thời gian qua, KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao, ứng dụng KH&CN vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, làm chậm tiến trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 11 chương trình hành động, trong đó Chương trình phát triển KH&CN được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 17-10-2022 định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nghiên cứu, cải tiến tính trạng quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh. Ứng dụng chế phẩm sinh học để phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng, bảo quản, chế biến nông - lâm sản, xử lý ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu các chế phẩm sinh học kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng. Nghiên cứu nâng cao khả năng sinh sản và bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện, Sở KH&CN sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các viện, trường đại học, nhà khoa học tham gia để các nhiệm vụ KH&CN đi đúng định hướng ưu tiên của tỉnh. Song song đó, các ngành và địa phương cũng cần chủ động hơn nữa đề xuất, đặt hàng ngành KH&CN thực hiện các đề tài khoa học để sở có cơ sở tham mưu Hội đồng KH&CN cấp tỉnh mời gọi nhà khoa học triển khai thực hiện. Ngoài ra, các ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa và chủ động lập kế hoạch ứng dụng, chuyển giao nhân rộng kết quả nghiên cứu các đề tài phục vụ công tác quản lý của ngành, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.