'Chìa khóa' quyết định ông Trump hay bà Harris sẽ vào Nhà Trắng
Khảo sát cho thấy vấn đề lớn nhất đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay là nỗi lo về kinh tế. Ứng viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chưa nổi trội.
Xuất hiện tại bang Bắc Carolina trong tuần này, cựu Tổng thống Donald Trump được dự đoán là sẽ chỉ trích bà Harris vì vai trò của bà trong chính sách kinh tế dưới thời ông Biden. Sau đó vài ngày, đến lượt phó tổng thống Mỹ tới Bắc Carolina để đưa ra bài phát biểu chính sách đầu tiên trong chiến dịch tranh cử, được cho là chứa đựng câu trả lời về cách giảm lạm phát.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh người dân Mỹ nhiều thập kỷ qua vẫn luôn cảm thấy bị sức ép kinh tế đè nặng. Đồng thời, hệ lụy từ tình trạng bất bình đẳng do toàn cầu hóa gây ra luôn là vấn đề khiến các đời tổng thống Mỹ trong thế kỷ XXI chật vật giải quyết.
Ông Trump: Chuyên nói sai trọng tâm
Sau khi bị bất ngờ trước sự rút lui của Tổng thống Joe Biden để nhường chỗ cho bà Harris, phía đảng Cộng hòa đang cố gắng đổ lỗi chopPhó tổng thống Mỹ có dính dáng tới những chính sách kinh tế “thất bại” dưới thời ông Biden.
“Những người Mỹ cần cù đang khổ sở vì các chính sách nguy hiểm theo đường lối cánh tả của chính quyền Harris - Biden", chiến dịch tranh cử của ông Trump cáo buộc trong bản thông cáo về việc ông Trump sẽ xuất hiện tại Bắc Carolina. “Vật giá đang ở mức cao ngất ngưởng, trong khi chi phí sinh hoạt tăng vọt”.
Nhưng theo CNN, các nhà hoạt động của đảng Cộng hòa đang cảm thấy thất vọng tràn trề trước việc cựu tổng thống vẫn thao thao bất tuyệt về các vấn đề cá nhân, thay vì tập trung vào nền kinh tế, an ninh biên giới, và các thách thức toàn cầu. Phong cách này có nguy cơ làm mất lòng các cử tri vùng ngoại ô đóng vai trò then chốt ở các bang chiến địa.
“Bạn sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc đua khi mà cứ đấu khẩu với phía bên kia về số người tham gia tuần hành và về những thứ nằm ngoài tầm quan tâm của hầu hết người Mỹ”, nhà bình luận chính trị Scott Jennings của CNN cho biết hôm 13/8.
Brad Todd, một chiến lược gia khác của đảng Cộng hòa, nói với CNN rằng “mấu chốt là cựu Tổng thống Donald Trump phải nói có trọng tâm khi đứng trước ống kính. Ông ấy phải ăn nói cô đong lại, phải tập trung vào những điều cử tri sẽ gặp phải nếu bà Kamala Harris thắng”.
Trong cuộc trò chuyện thân mật kéo dài hai giờ với tỷ phú Elon Musk hôm 12/8, ông Trump cũng đề cập đến vấn đề lạm phát và an ninh năng lượng. Nhưng chẳng được bao lâu, ông ấy bắt đầu khoe mẫu thiết kế mới của mình dành cho chiếc chuyên cơ Air Force One, rồi tỏ ra trầm trồ trước lượng thính giả lắng nghe buổi trao đổi của 2 người.
Bà Harris: Nhấn vào sự sẻ chia, pha chút dân túy
Cho tới nay, khi nói đến các vấn đề kinh tế, bà Harris vẫn chỉ nói chung chung. Nhưng “tuần trăng mật” chính trị kéo dài 3 tuần của phó tổng thống chưa có dấu hiệu kết thúc và thậm chí còn có thể được kéo dài vào tuần tới, khi đảng Dân chủ tổ chức Đại hội đảng toàn quốc tại Chicago. Đây sẽ là dịp cho đảng Dân chủ vun vén hình ảnh của bà Harris để thu hút cử tri thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.
Các đảng viên Dân chủ hiện không khỏi cảm thấy phấn chấn khi một số dấu hiệu cho thấy việc bà Harris xuất trận đã bắt đầu xoa dịu những điểm yếu của đảng trên bình diện nền kinh tế. Một cuộc thăm dò của CNN công bố đầu tháng 7 cho thấy tại thời điểm ông Biden tuyên bố rút lui, kinh tế là vấn đề được cử tri quan tâm nhất. 51% cử tri tin tưởng ông Trump có thể cải thiện kinh tế Mỹ, trong khi chỉ 32% tỏ ra tin tưởng ông Biden.
Nhưng trong cuộc thăm dò mới đây của NPR/PBS NewsHour/Marist vào tuần trước, bà Harris đã thu hẹp khoảng cách đáng kể, hiện chỉ còn kém cựu tổng thống 3 điểm phần trăm. Một cuộc thăm dò khác của New York Times/Siena College vào cuối tuần qua cũng cho thấy, bà Harris đã giảm cách biệt đối với ông Trump trong vấn đề nền kinh tế ở các bang chiến địa quan trọng.
Điều quan trọng là bà Harris cần hành động nhanh vì cựu Tổng thống Trump đang cố gắng chụp cho đối thủ cái mũ “quản lý kinh tế yếu kém”. Đáp trả, phó tổng thống Mỹ gần đây đã chọc giận ông Trump khi cũng hứa hẹn hủy bỏ sắc thuế liên bang đối với tiền boa nhằm giành lấy lá phiếu của giới nhân viên phục vụ ở bang chiến trường Nevada.
Cách bà Harris phát biểu cũng đang dần thay đổi, tập trung vào việc bày tỏ sự thấu cảm với cử tri, pha lẫn chút chủ nghĩa dân túy.
“Tuy nền kinh tế đang khởi sắc xét trên nhiều bình diện, giá cả những vật dụng hàng ngày vẫn còn quá cao”, bà Harris nói ở thành phố Phoenix vào cuối tuần qua, đồng thời chỉ ra rằng khi còn là tổng chưởng lý bang California, bà đã nghiêm trị các cá nhân, tổ chức lũng đoạn vật giá.
“Khi trở thành tổng thống, tôi sẽ tiếp tục hành động để kéo giá cả đi xuống. Tôi sẽ xử lý các tập đoàn lớn có hành vi đẩy giá bất hợp pháp, cũng như những công ty kinh doanh thuê nhà có hành vi tăng tiền phi lý. Tôi sẽ đối đầu với các hãng dược phẩm lớn và áp giá trần đối với những loại thuốc kê theo đơn”, bà khẳng định.
“Tôi nói những điều này để khẳng định rằng không giống Donald Trump, tôi sẽ luôn đặt tầng lớp trung lưu và các gia đình lao động lên trên hết”, bà nói.