'Chìa khóa' tháo gỡ
Bắt đầu từ hôm qua (6/6), Quốc hội đã và đang chất vấn Chính phủ, các 'Tư lệnh ngành' được ủy quyền sẽ trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: LĐ-TB&XH; dân tộc; KH&CN; GTVT.
Quan sát và theo dõi các nội dung đã chất vấn, chúng ta thấy, vừa có yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, vừa phải tiếp tục hoàn thiện chính sách mới đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thử nêu nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực GTVT, có nhiều nội dung; trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Đúng là hoàn thiện cơ chế luôn là “nút gỡ” từ gốc. Khi “cuộc khủng hoảng đăng kiểm” vừa mới xảy ra, ít ai có thể hình dung đến quy mô. Và rồi xã hội “nóng lên” vì câu chuyện quá tải tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo con số của Cục Đăng kiểm, từ tháng 3 đến tháng 6/2/2023, Hà Nội có 337.552 xe ô tô các loại đến hạn đăng kiểm, ở TP HCM là 202.531 xe. Cũng theo ước đoán của Cục này, với việc hàng loạt đăng kiểm viên bị khởi tố, bắt giam dẫn đến dây chuyền đăng kiểm phải dừng dịch vụ, khoảng 200.000 phương tiện ở Hà Nội, khoảng 130.000 - 190.000 phương tiện ở TP HCM không thể kiểm định khi đến hạn vì năng lực của các trung tâm sẽ chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ. Chuỗi cung ứng bị đe dọa trực tiếp, chủ các phương tiện “vật vờ”.
Thế nhưng, câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 3/6/2023. Thông tư này cho phép xe ô tô chở người đến 9 chỗ (sản xuất đến 7 năm, từ 13 - 20 năm) được tự động giãn chu kỳ kiểm định đã có tác động rõ rệt.
Theo báo chí phản ánh, sáng 5/6, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội đã không còn áp lực, đến mức các nhân viên rảnh việc ngồi chơi điện thoại. Điều này cho thấy Thông tư 08/2023/TT-BGTVT chính là “chìa khóa” tháo gỡ.
Tại kỳ họp này, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề cán bộ sợ sai, ngại trách nhiệm… Phải dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng phải có hành lang bảo vệ người quyết liệt. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ này đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, song lại vướng rất nhiều quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý, khung khổ chính sách... đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chia-khoa-thao-go-post477683.html