'Chìa khóa' xây dựng hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội. Muốn xây dựng một đất nước văn hóa thì cần phải xây dựng văn hóa gia đình. Muốn xây dựng một gia đình văn hóa thì mỗi thành viên phải là một mắt xích trong chuỗi dây chuyền đó. Và chỉ khi một gia đình có văn hóa sẽ là nền tảng để xây dựng hạnh phúc bền vững trong gia đình.

Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ

Theo chị Hà Thị Nguyệt, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, trường Đại học Tân Trào, văn hóa gia đình được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Dưới góc độ tâm lý - giáo dục học, văn hóa gia đình là những truyền thống, giá trị tốt đẹp trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trong việc xây dựng nếp sống, thói quen, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình để gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái, nơi phụng dưỡng bố mẹ già, chăm lo cho hạnh phúc lứa đôi, góp phần xây dựng văn hóa chung của làng xã, dân tộc. Gia đình Việt Nam từ xưa đến nay được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống. Đó là sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, yêu thương, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau. Nhiều gia đình biết duy trì lối ứng xử văn hóa đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi thành viên trong gia đình noi theo.

Từ năm 2017, nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Trong đó 4 tiêu chí ứng xử chung được quy định là "tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ". Ứng xử văn hóa trong gia đình là những điều cốt lõi để xây dựng văn hóa trong gia đình. Đây cũng là những tiêu chí hiện nay không ít gia đình đã và đang thực hiện.

Gia đình anh Lê Hồng Khanh, tổ 5, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn sống chan hòa, vui vẻ dù có nhiều thế hệ cùng chung sống. Ảnh: K.T

Gia đình anh Lê Hồng Khanh, tổ 5, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn sống chan hòa, vui vẻ dù có nhiều thế hệ cùng chung sống. Ảnh: K.T

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lâm Văn Việt, tổ 6, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), một gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liên tục. Ông Việt giờ chỉ còn lại một mình. Vợ mất cách đây gần chục năm, con trai ông nhiều lần muốn tìm cho ông một người phụ nữ khác để cho ông đỡ cô quạnh nhưng ông không chịu. Hiện nay ông đang ở cùng với vợ chồng người con trai duy nhất. Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn tâm niệm giúp đỡ được các con cái gì thì vẫn làm. Nên ngoài việc trông nom cháu gái, ông cũng làm thêm cả việc nhà để giúp đỡ cô con dâu. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ luôn tâm niệm, muốn gia đình hòa thuận thì bản thân bố mẹ phải hết lòng yêu thương các con, định hướng cho các con làm những việc có ích và lành mạnh. Trong gia đình, dù làm việc gì cũng bàn bạc, thảo luận với nhau. Các thành viên trong gia đình đều nói rõ cho nhau biết những việc mình làm. Gia đình tôi cũng có nguyên tắc là ở cơ quan có gì bức xúc thì không mang về nhà. Nếu mang việc về nhà, có gì cần sự tư vấn thì hỏi ý kiến của mọi người. Thi thoảng, chúng tôi cũng dành khoảng thời gian để cùng nhau đi tham quan, tạo sự vui vẻ, gắn kết trong gia đình”.

Đến thăm gia đình ông Phan Văn Chiến, thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), chúng tôi cũng cảm nhận được một bầu không khí hòa thuận, đầm ấm, mọi thành viên trong gia đình đều kính trên, nhường dưới. Ông Chiến ở cùng con trai cả. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn tham gia cùng vợ chồng con làm kinh tế, nuôi bò sinh sản, nuôi nhím, gia cầm. Trong công việc gì, ông cũng chỉ bảo các con làm ăn để có kinh tế khá giả. Trong ngôi nhà của mình, ông luôn dành một không gian riêng để cuối tuần, các con ông ở xa về đây ăn bữa cơm đoàn kết. Chị Nguyễn Thị Quyên, con dâu của ông Chiến từ khi về làm dâu luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình. Việc gì của nhà chồng chị cũng xắn tay thu vén đâu ra đấy, khó khăn chẳng nề hà. Gia đình ông Chiến cũng nhiều năm liền được bà con lối xóm bình bầu là Gia đình Văn hóa tiêu biểu.

Dù là gia đình ở thành thị hay nông thôn, dù có mức sống khá giả hay khó khăn thì việc ứng xử văn hóa theo các tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ luôn là những giá trị chuẩn mực để cùng nhau xây dựng văn hóa gia đình.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xã hội bày tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ trước hành vi ngược đãi, hành hạ mẹ ruột của bà N.T.H tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An do việc chia tài sản không đồng đều và hành vi bạo hành con gái 6 tuổi của đối tượng Đ.T.K tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dưới tác động của kinh tế thị trường và những biến đổi của xã hội, văn hóa gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn để giữ gìn những giá trị tốt đẹp truyền thống. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, một số chuẩn mực tốt đẹp trong cách ứng xử bị mai một. Không ít gia đình đứng trước sự tan vỡ. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, tỷ lệ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm, song số vụ ly hôn ngày càng tăng. Năm 2018, toàn tỉnh có 1.908 vụ ly hôn, năm 2019, toàn tỉnh có 2.057 vụ ly hôn, chủ yếu nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập, ngược đãi, ngoại tình...

Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, văn hóa gia đình có sự thay đổi. Sự thay đổi đó được biểu hiện trên nhiều mặt trong văn hóa gia đình hiện nay. Đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình vợ - chồng, bố mẹ - con cái, mẹ chồng - nàng dâu; xu hướng cá nhân hóa và quyền tự do cá nhân, quyền dân chủ giữa các thành viên trong gia đình được đề cao; một bộ phận không nhỏ ngày càng coi trọng các lợi ích, giá trị về kinh tế trong mối quan hệ gia đình; sự ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình không cao; xu hướng gia đình hạt nhân (gồm bố mẹ và con cái); xu hướng gia đình khuyết thiếu (đơn thân). Theo chị Hà Thị Nguyệt, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, trường Đại học Tân Trào, muốn xây dựng văn hóa gia đình thì mỗi thành viên trong gia đình phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đó là trách nhiệm xây dựng truyền thống gia đình, nếp sống gia đình, thói quen tốt đẹp, cách ứng xử trong gia đình, sự gương mẫu của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Đặc biệt là giáo dục nhân cách toàn diện cho thế hệ trẻ trong gia đình, tạo dựng thế hệ tương lai có kiến thức, kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nước, yêu nhà.

Cùng chung quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT Tân Trào chia sẻ, mỗi người cần có các hành động cụ thể và thái độ phù hợp để xây dựng phát triển văn hóa gia đình, có trách nhiệm, ứng xử với các thành viên trong gia đình một cách văn minh, lịch sự. Đồng thời yêu thương, tôn trọng, công bằng chứ không cào bằng với các thành viên trong gia đình. Nhà trường, gia đình cần giáo dục cho thế hệ trẻ nền nếp, truyền thống, thói quen tốt của gia đình Việt Nam; tự giáo dục, tự tu dưỡng, loại bỏ những tư tưởng, quan điểm đã lạc hậu, không còn phù hợp với thời kỳ mới, học hỏi những giá trị văn hóa mới mà không làm mất đi bản sắc văn hóa gia đình truyền thống. Bản thân ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Chính quyền địa phương cũng cần phát động, duy trì và nhân rộng những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Chỉ khi mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình trong xây dựng văn hóa gia đình thì chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một tổ ấm thực sự, góp phần xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh.

Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chia-khoa-xay-dung-hanh-phuc-137272.html