Chia 'lửa' cùng tâm dịch Bắc Giang
Bắc Giang đang nóng như 'chảo lửa', bởi mỗi ngày lại ghi nhận hàng chục, hàng trăm ca dương tính với Covid-19 trong các khu cách ly. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, thôn, xóm trong tình trạng báo động về khả năng lây nhiễm. Để khoanh vùng, truy vết, khống chế sự lây lan của dịch bệnh và điều trị cho các ca nhiễm bệnh, các lực lượng tuyến đầu đang làm việc với nhịp điệu thần tốc.
Chung tay cùng Bắc Giang chống dịch cũng là góp chung vào chiến dịch chống giặc Covid-19 của đất nước, cán bộ, bác sỹ của các tỉnh, thành trong cả nước đang tràn đầy khí thế lên đường. Ở Lào Cai, ngày 28/5 là một ngày ý nghĩa, nhận được sự đồng thuận, đồng lòng và cảm phục của Nhân dân khi Đoàn cán bộ y tế của tỉnh Lào Cai lên đường đến với tâm dịch Bắc Giang. Ngoài 2 lái xe, Đoàn có 30 cán bộ, bác sỹ; trong đó, có 10 bác sỹ, 14 điều dưỡng, 2 y sỹ và hộ sinh trung học. Tất cả đều là những thầy thuốc nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bênh tật tỉnh.
Cùng gặp gỡ, tâm sự, mới thấy hết tinh thần tuyệt vời của những “chiến sỹ áo trắng” Lào Cai trước giờ xuất phát.
Y sỹ người Mông Si Ma Cai
Chúng tôi hẹn gặp y sỹ Giàng A Tếnh vào buổi tối trước hôm cùng đoàn chi viện của tỉnh đến với Bắc Giang. Nam bác sĩ trẻ chọn thuê nhà nghỉ ngay gần Sở Y tế để ngày mai kịp lệnh xuất quân. Thấy có khách đến chơi, A Tếnh gấp vội tư trang. Hành trang của chàng y sỹ trẻ đến nơi dịch giã thật giản đơn, một chiếc ba lô nhỏ với 2 chiếc áo blu trắng, vài bộ quần áo mặc hằng ngày và một ít đồ dùng cá nhân.
Giàng A Tếnh là người con dân tộc Mông của vùng cao núi đá Si Ma Cai, hiện là y sỹ đa khoa của Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, A Tếnh đã có 2 đợt tham gia phục vụ khu cách ly của huyện Si Ma Cai (Đợt 1 hồi tháng 4/2020, đợt 2 vừa kết thúc tháng 3/2021). Y sỹ Giàng A Tếnh nhớ lại: Những công dân cách ly tập trung đều đi từ vùng dịch về hoặc nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Để kiểm soát dịch bệnh tràn vào từ bên ngoài và lây nhiễm ra cộng đồng, tất cả các trường hợp này đều được cách ly tại khu cách ly của huyện. Tôi và các đồng nghiệp đảm trách nhiệm vụ kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho các công dân, đồng thời, phun khử khuẩn cho các khu vực cách ly. Si Ma Cai là huyện biên giới, nên thời điểm đầu mùa dịch, công dân cách ly rất đông. Có những ngày, chúng tôi không có thời gian ngả lưng, ngày đêm làm các công tác kiểm tra, sàng lọc, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nếu có người dương tính với Covid-19…”.
Vốn là y sỹ làm trong công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng và đặc biệt là có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, nên khi cơ quan triển khai công văn hỏa tốc của tỉnh thành lập Đoàn công tác hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không chút suy nghĩ Giàng A Tếnh đăng ký ngay. “Huyện Si Ma Cai còn có 2 y, bác sỹ nữa cũng xung phong tham gia. Nhưng nghe nói dựa trên nhiều yếu tố như cân đối số lượng y, bác sỹ, sức khỏe, trình độ chuyên môn, nên sau khi lựa chọn, Si Ma Cai chỉ có một mình tôi được đi chống dịch lần này ở Bắc Giang…’, y sỹ trẻ cười thật tươi, nói như khoe.
Trong câu chuyện về cảm xúc lên đường, A Tếnh còn cho chúng tôi xem hình ảnh những bác sỹ ở Bắc Giang và các tỉnh, thành khác chi viện cho Bắc Giang mà anh lưu lại từ trên mạng xã hội. Đôi mắt Tếnh tràn đầy nhiệt huyết: Các đồng nghiệp của chúng tôi đang mệt lắm rồi, chúng tôi sẽ đến để tăng thêm sức mạnh, cùng họ chiến thắng “giặc Covid”.
Tinh thần con của người lính
“Bố là người lính bảo vệ Tổ quốc, con gái bố hôm nay cũng trở thành “người lính” xông pha trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19. Bố vừa tự hào, vừa yêu thương con. Chúc đồng chí con rắn rỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về nhà an toàn…”.
Đó là lời nhắn nhủ của Trung tá Lù Văn Thích với con gái mình là điều dưỡng Lù Thị Thu Hà, 1 trong 2 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh đã tình nguyện gia nhập Đoàn cán bộ y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang.
Hành trang của chị Hà mang theo, ngoài lời dặn dò, động viên của gia đình, là chiếc áo blu in logo của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh như một niềm tự hào về đơn vị của mình và những chai nước muối súc miệng và quyển sách “gối đầu giường” có tên “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”
Tuổi trẻ thật vô giá khi Thu Hà đã sống với hoài bão, nghị lực của mình. Chị lựa chọn nghề điều dưỡng và đã có 6 năm làm việc trong môi trường hồi sức cấp cứu, chăm sóc những bệnh nhân nặng. Công việc vất vả, lịch trực dày hơn, cường độ làm việc cao hơn, nhưng cũng chính những kinh nghiệm trong công việc và tinh thần xung kích khiến chị Hà tự tin là người xung phong đầu tiên, ngay khi lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh triển khai công văn lựa chọn y, bác sỹ đi đến tỉnh Bắc Giang nhận nhiệm vụ trong tổ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Thu Hà chia sẻ: Từ khi có dịch bệnh, em đã luôn xác định sẽ cống hiến dù tình hình dịch bệnh có phức tạp đến đâu.
Em gái của Thu Hà hiện đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Dương cũng đã viết đơn tình nguyện đi hỗ trợ các tỉnh phòng, chống dịch Covid-19. Hai cô con gái đều mang tinh thần của người lính, sự lạc quan, vững vàng được hun đúc từ người cha. Đã hai tháng Thu Hà chưa về thăm nhà, hôm nay lên đường đi đến tâm dịch, gia đình, đồng nghiệp là hậu phương vững chắc để nữ điều dưỡng cống hiến, góp sức đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Giang.
Nữ bác sỹ giàu khát khao cống hiến
Nói đến nữ bác sỹ Cu Seo Xay của vùng “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, người dân trong huyện cũng như những người làm trong ngành y toàn tỉnh sẽ không lạ lẫm. Bởi, với chuyên môn vững vàng, lòng nhiệt thành, trách nhiệm, hết lòng với người bệnh, bác sỹ Xay là một trong những điển hình của ngành y tế trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những năm qua. Trong Đoàn công tác của ngành y tế tỉnh về với “quê hương vải thiều” lần này, bác sỹ Xay cũng là 1 trong những bác sỹ đầu tiên xung phong ra tuyến đầu chống dịch.
Trước ngày mẹ xuống thành phố Lào Cai để tập trung cùng đoàn đi chống dịch ở tỉnh bạn, 2 cô con gái Sùng Ngân Thương và Sùng Ngân Hoài mặt buồn thiu vì sẽ phải xa mẹ. Cô gái nhỏ Ngân Hoài năm nay mới học lớp 1 chưa hiểu hết, thấy mẹ bảo đi vài tuần rồi sẽ về, nên cũng không nghĩ nhiều.
Riêng cô con gái lớn Ngân Thương thì cứ rúc đầu vào nách mẹ dấm dứt. Học lớp 8, nên Ngân Thương đã nhận thức được con đường mẹ đang bước tới có nhiều khó khăn. Đưa tay gạt nhẹ sợi tóc mai trên khuôn mặt cô con gái, chị Xay ôn tồn: "Mẹ đi thực hiện nhiệm vụ để cứu giúp những người bệnh, cũng giống như những lần trước mẹ đi công tác xa nhà chữa bệnh cho bà con. Mẹ và các cô chú cùng đi sẽ tự bảo vệ mình và cùng đùm bọc chia sẻ, con đừng lo…”. Sau khi trấn tĩnh cô con gái, chị Xay chuẩn bị nhanh tư trang và lên đường.
Bác sỹ Cu Seo Xay là người Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng cao Bắc Hà. Dáng người nhỏ nhắn, nhưng tiếp xúc mới thấy chị tràn đầy nội lực, sự tâm huyết, nhiệt thành của người vùng cao. Chị Xay tâm sự: Không phải đến bây giờ khi tỉnh có công văn triệu tập các bác sỹ lên đường chống dịch, mà ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh hoành hành ở một số địa phương như Vĩnh Phúc, tôi đã luôn mong được đứng trong hàng ngũ của những người tuyến đầu nơi ấy cùng chung tay đẩy lùi bệnh dịch…
Điều tuyệt vời hơn nữa là trong công văn đưa về để lựa chọn bác sỹ đi chống dịch, yêu cầu là cán bộ, bác sỹ chuyên khoa Nội và Hồi sức cấp cứu. Dù không trong diện yêu cầu, bởi bác sỹ Xay là khoa Nhi, nhưng chị vẫn viết lá đơn tình nguyện.
"Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì được đến với tuyến đầu. Biết rằng sẽ có nhiều khó khăn, nhưng mỗi cán bộ, bác sỹ đến với vùng dịch sẽ đem hết khả năng cũng như kinh nghiệm, tuân thủ nghiêm mọi kỷ luật để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cao cả này", chị Xay tâm sự với tôi trước khi xe lăn bánh đưa Đoàn công tác xuôi về vùng dịch Bắc Giang.
“Đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi sẽ trở về”
Từ hơn một năm nay khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, công việc của bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh thêm bận rộn, khó khăn bởi anh thực hiện nhiệm vụ điều trị, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Hôm nay, bác sỹ Tùng đã tình nguyện nhận một trọng trách nặng nề hơn, đó là đến tâm dịch Bắc Giang, trực tiếp điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Bác sỹ Hoàng Tùng (giữa ảnh) trong Lễ xuất quân.
Chị Phạm Thúy An, vợ anh Tùng chia sẻ: Ngay khi có thông tin đoàn bác sỹ ở tỉnh Yên Bái đến hỗ trợ Bắc Giang, anh Tùng đã chia sẻ với tôi rằng nếu tỉnh Lào Cai hỗ trợ Bắc Giang anh sẽ tình nguyện tham gia. Anh là bác sỹ Khoa Truyền nhiễm, đúng chuyên môn của mình, bởi vậy anh đi để giúp sức chống dịch.
Làm vợ bác sỹ, chị An vốn đã quen với những đêm chồng đi trực vắng nhà, bác sỹ Tùng cũng thường xuyên đi khám, chữa bệnh miễn phí ở các xã vùng cao, vùng khó khăn. Tuy lần này, lòng chị An đầy lo lắng, nhưng vì hiểu tâm huyết của chồng, chị đã động viên, đồng tình với quyết định của anh, trở thành hậu phương vững chắc để anh yên tâm làm việc nơi “tuyến lửa”. Cô con gái lên 7 tuổi và cậu con trai bé bỏng hơn 2 tuổi của anh Tùng chỉ biết bố đi công tác xa, chào bố, ôm bố thật chặt trước khi bố lên đường.
Anh Tùng và 31 thành viên Đoàn công tác của Lào Cai đã đến Bắc Giang an toàn. Anh nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Bắc Giang. Từ tâm dịch anh chia sẻ: Tôi cùng đồng nghiệp sẽ cống hiến hết khả năng chuyên môn của mình để điều trị, cứu giúp người bệnh, quyết tâm góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở đây xong chúng tôi sẽ trở về.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/211929-chia-lua-cung-tam-dich-bac-giang