Chia rẽ ở Bắc Kinh về 'danh sách đen' các công ty Mỹ

Một số người ở Bắc Kinh do dự trong việc đưa ra danh sách các công ty Mỹ để trừng phạt trả đũa, cho rằng việc công bố nên đợi đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11.

 Cisco, đối thủ của Huawei, là công ty Mỹ có thể bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen. Ảnh: Reuters.

Cisco, đối thủ của Huawei, là công ty Mỹ có thể bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã đẩy nhanh việc xây dựng một danh sách đen có thể sử dụng để trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ. Song các quan chức nói rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang lưỡng lự trong việc phê duyệt danh sách, với một số người cho rằng quyết định này nên đợi đến sau cuộc bầu cử Mỹ.

Cuộc tranh luận cho thấy Bắc Kinh vẫn đang loay hoay tìm cách phản ứng với chính quyền Trump mà không khiến mối quan hệ sụp đổ, theo Wall Street Journal.

Cho đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng trả đũa các hành động của Washington nhưng cũng tránh các biện pháp vượt quá những gì Mỹ áp dụng. Một cuộc tấn công đúng thời điểm đôi khi có thể có lợi cho Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc.

 Trung Quốc đang tìm cách trả đũa chính quyền Trump mà không gây ra thiệt hại không thể hàn gắn. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trung Quốc đang tìm cách trả đũa chính quyền Trump mà không gây ra thiệt hại không thể hàn gắn. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Do dự công bố danh sách

Sau khi Tổng thống Trump tìm cách để doanh nghiệp Mỹ tiếp quản ứng dụng chia sẻ video TikTok, các nhà quản lý Trung Quốc đã ban hành các quy định mới về kiểm soát xuất khẩu.

Các quy định này giúp ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đặt ra các điều khoản có thể giúp họ tránh được việc mất quyền kiểm soát hoạt động của nền tảng này tại Mỹ hay công nghệ quan trọng.

Trung Quốc lần đầu công bố kế hoạch lập danh sách đen thực thể của Mỹ vào tháng 5/2019, ngay sau khi Washington hạn chế quyền tiếp cận của tập đoàn viễn thông Huawei đối với linh kiện và công nghệ của Mỹ.

Song Bắc Kinh đã không đưa bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào vào danh sách vì các nhà đàm phán thương mại của cả hai nước đang tham gia cuộc thương thảo mà cuối cùng dẫn đến việc ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" hồi tháng 1.

Khi chính quyền Trump tăng cường tấn công vào một số công ty nổi tiếng nhất của Trung Quốc - bao gồm cả Tencent, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin và thanh toán WeChat - danh sách này càng trở nên cấp thiết.

Trong những tuần gần đây, theo những người biết về vấn đề này, một nhóm liên ngành được dẫn dắt bởi Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người phụ trách đầu tư và thương mại nước ngoài, đã đẩy mạnh việc hoàn thiện danh sách "thực thể không đáng tin cậy".

Đây được xem là đòn trả đũa của Bắc Kinh đối với danh sách thực thể Trung Quốc mà Mỹ lập ra để trừng phạt.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19/9 cho biết danh sách này sắp hoàn thành, nói rằng các công ty và cá nhân trong danh sách sẽ bị cấm mua bán với Trung Quốc cũng như đầu tư vào nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc một lần nữa không tiết lộ bất kỳ cái tên nào. Bộ Thương mại cho biết trong tuyên bố rằng danh sách bao gồm "một số lượng rất nhỏ các thực thể nước ngoài bất hợp pháp".

Các quan chức hiện tranh luận về việc khi nào hoặc liệu có nên công bố danh sách hay không, với một số người cho rằng không nên thực hiện điều này trước cuộc bầu cử Mỹ.

 Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc đã bị Mỹ nhắm đến. Ảnh: Reuters.

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc đã bị Mỹ nhắm đến. Ảnh: Reuters.

Đây là một trong những hành động cân bằng khó khăn nhất đối với Bắc Kinh, khi giới lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc làm thế nào để đáp trả Washington mà không gây ra thiệt hại không thể hàn gắn, đối với cả quan hệ song phương lẫn nền kinh tế và các ngành công nghiệp của Trung Quốc.

"Họ đã rất kỷ luật để không 'giận quá mất khôn' làm điều gì đó quá nghiêm trọng đối với các công ty Mỹ", Paul Triolo, người phụ trách chính sách công nghệ toàn cầu tại Eurasia Group, công ty tư vấn có trụ sở tại New York, cho biết.

Hy vọng ông Biden đắc cử

Khi bắt đầu chuẩn bị danh sách, Trung Quốc đã xem xét mức độ phụ thuộc của các công ty công nghệ của họ vào nhà cung cấp Mỹ. Mối quan hệ đã xấu đi nhanh chóng kể từ đó.

Nhà Trắng tung ra hết biện pháp này đến biện pháp khác nhằm vào Trung Quốc, trong các lĩnh vực từ nhân quyền và an ninh quốc gia đến tài chính và công nghệ. Bắc Kinh đều trả đũa mỗi lần như vậy.

Trong vài tuần qua, một nhóm do Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa chỉ đạo đã yêu cầu một số ban ngành - bao gồm cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu, Bộ Thương mại, cơ quan quản lý an ninh mạng và cơ quan quản lý chống độc quyền - mỗi nơi phải gửi tên của các công ty để đưa vào danh sách. Những cái tên được những nơi này đưa ra sẽ tạo nên danh sách cuối cùng.

Một công ty Mỹ cho đến nay có mặt trong mọi danh sách riêng là Cisco Systems, các nguồn tin cho biết. Nhà sản xuất thiết bị mạng cạnh tranh với Huawei đã mất hợp đồng cung cấp cho một số khách hàng Trung Quốc lâu năm của mình, chẳng hạn như các nhà mạng lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Cisco cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều năm gắn bó ở Trung Quốc".

Một số quan chức cấp cao, bao gồm Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh với Washington, hiện lo ngại việc công bố danh sách này có thể khiến Mỹ thực hiện các biện pháp thậm chí còn khắc nghiệt hơn,

Truyền thông gần đây nói rằng ông Trump có thể sẽ trừng phạt thêm nhiều công ty Trung Quốc bao gồm nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International, "ông lớn" thương mại điện tử Alibaba và hãng viễn thông nhà nước China Mobile. Thông tin đã khiến cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh.

Nhiều người ở Trung Quốc đang hy vọng thiết lập lại quan hệ với Mỹ nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại ông Trump. Theo quan điểm của họ, cạnh tranh chiến lược giữa hai bên vẫn tiếp diễn, nhưng có những lĩnh vực mà Bắc Kinh có thể hợp tác với chính quyền Biden.

Ví dụ, ông Biden đã lên kế hoạch tăng cường can dự với Trung Quốc về các vấn đề khu vực như Afghanistan, Iran và Triều Tiên. Ông Biden cũng có thể sẽ tham gia cùng Trung Quốc trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Ít nhất thì mọi người đều có thể làm việc theo các thể chế đa phương với ông Biden trong khi hiện tại, mọi thứ đang bị đẩy đến mức cực đoan", một cố vấn chính phủ cấp cao ở Bắc Kinh cho biết.

Jacob Parker, Phó chủ tịch cấp cao tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, nhóm đại diện cho hơn 200 công ty Mỹ, cho biết danh sách đen của Trung Quốc "sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại mà các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc phải gánh chịu".

Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc đã trừng phạt các công ty Mỹ kinh doanh tại thị trường tỷ dân.

Kể từ năm ngoái, các công ty bao gồm DuPont đã bị các công ty như Huawei loại khỏi danh sách mua sắm. Trong những tháng gần đây, giới chức thậm chí đã chỉ đạo các công ty Trung Quốc trả tiền phạt để hủy hợp đồng với các nhà cung cấp Mỹ, theo các lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cảnh giác với việc đe dọa các công ty nước ngoài vào thời điểm áp lực thất nghiệp gia tăng. Trung Quốc cũng cần nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là chip và các linh kiện công nghệ cao khác.

Tháng trước, ông Hồ Xuân Hoa đích thân mời các hiệp hội công nghiệp Mỹ và châu Âu đến tham dự sự kiện mà một số người tham gia mô tả là "lễ hội tình yêu" để đảm bảo họ tiếp tục có mặt tại thị trường Trung Quốc.

Đông Phong
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chia-re-o-bac-kinh-ve-danh-sach-den-cac-cong-ty-my-post1134275.html