Chia sẻ áp lực với trung đội trưởng
Để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trung đội trưởng ở đơn vị phải đảm đương nhiều 'vai', từ quản lý, huấn luyện bộ đội, tiến hành công tác tư tưởng cho đến chỉ huy các mặt công tác hậu cần-kỹ thuật trong trung đội. Vì vậy, đội ngũ trung đội trưởng thường xuyên chịu nhiều áp lực, căng thẳng, cần được chỉ huy cấp trên quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời.
Ngày dài bám nắm bộ đội
Sau khi ra trường, Nguyễn Văn Lượng với quân hàm Thiếu úy, đảm nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội Trinh sát đặc nhiệm 1, Tiểu đoàn Trinh sát 28, Bộ Tham mưu Quân đoàn 34. Đối tượng quản lý của Trung đội gồm quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và hạ sĩ quan, chiến sĩ, trong đó phần lớn là QNCN có tuổi đời, tuổi quân cao hơn nhiều so với chỉ huy Trung đội. Vì vậy, thời gian đầu về nhận công tác, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lượng gặp khá nhiều áp lực.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Văn Lượng nhớ lại: “Đội ngũ nhân viên của Trung đội có kiến thức chuyên môn và kỹ thuật chiến đấu rất chắc. Nếu người chỉ huy không nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, có phương pháp huấn luyện tốt thì rất dễ rơi vào tình trạng “múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng áp lực nhất với tôi là công tác quản lý tư tưởng, giải quyết mối quan hệ và các chế độ làm sao phải bảo đảm đúng quy định và linh hoạt trong từng trường hợp, tránh để xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, phong cách chỉ huy phải vừa cương quyết, vừa mềm mỏng; việc nhận xét, nhắc nhở, chấn chỉnh cấp dưới phải hết sức khéo léo, có sức thuyết phục, tạo được sự gần gũi đối với anh em”.

Bộ Tham mưu Quân đoàn 4 (nay là Quân đoàn 34) tổ chức tọa đàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, bên cạnh công tác quản lý trực tiếp bộ đội thuộc quyền, việc thường xuyên phải tham gia hội thi, hội thao, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khiến trung đội trưởng luôn trong trạng thái tất bật, khẩn trương, nhiều thời điểm phải thức khuya để làm việc. Như trường hợp của Thượng úy Nguyễn Đức Minh, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 34), việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Hằng ngày, anh bám nắm bộ đội trong mọi hoạt động, kết thúc huấn luyện còn duy trì bảo quản vũ khí, trang bị, tiến hành tăng gia sản xuất, buổi tối tham gia sinh hoạt các tổ chức. Nội dung viết giáo án, thông qua giáo án, đăng ký sổ sách thống kê... đều được anh tranh thủ thực hiện vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ngoài các nhiệm vụ trên, trong thực tế công tác quản lý bộ đội còn có rất nhiều tình huống cần trung đội trưởng trực tiếp giải quyết, như: Bộ đội có vấn đề về tâm lý, tình cảm, sức khỏe, vi phạm quy định của đơn vị, chậm tiến trong huấn luyện...
Kịp thời quan tâm, chia sẻ
Để giúp đội ngũ trung đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ, yên tâm tư tưởng, phát huy sức trẻ, cống hiến xây dựng đơn vị, chúng tôi được biết, thời gian qua, Bộ Tham mưu Quân đoàn 34 đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả như: Thường xuyên tổ chức tọa đàm sĩ quan, QNCN trẻ; phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, pháp lý; ưu tiên khen thưởng cho cán bộ trung đội; xây dựng quy định nghỉ phép, nghỉ cuối tuần, nghỉ tranh thủ phù hợp để trung đội trưởng có nhiều thời gian chăm sóc hậu phương...
Đại tá Đinh Quang Chương, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân đoàn 34 cho biết: “Đội ngũ cán bộ trung đội của chúng tôi đều thuộc các đơn vị binh chủng nên mang nhiều đặc thù hơn so với các đơn vị bộ binh. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm, động viên, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ trung đội trưởng bằng nhiều hình thức, trong đó, yêu cầu cán bộ đại đội chia sẻ, giúp đỡ sâu sát trung đội trưởng, nhất là việc quan tâm, tạo điều kiện để trung đội trưởng xây dựng gia đình, chăm sóc hậu phương. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ trung đội ở đơn vị đều yên tâm tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chất lượng huấn luyện bộ đội không ngừng được nâng lên”.
Cùng với sự quan tâm, chia sẻ của cấp trên, theo Đại tá Võ Phước Vỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 34, mỗi cán bộ trung đội cần có các biện pháp để “tự khắc chế” được áp lực, căng thẳng, lo âu trong công việc. Trong đó, cần nỗ lực, phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, chủ động sắp xếp công việc khoa học, tránh tình trạng “chạy theo công việc”. Khi có những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm vụ cũng như trong tư tưởng, tâm lý, sức khỏe, cuộc sống gia đình, trung đội trưởng cần mạnh dạn báo cáo, chia sẻ với cấp trên, trước tiên là chi bộ, ban chỉ huy đại đội để kịp thời tháo gỡ.