'Chia sẻ công bằng' của Big Tech là tâm điểm cuộc thảo luận ở triển lãm công nghệ di động lớn nhất

Alphabet, Meta Platforms, Netflix dự kiến sẽ sử dụng MWC để đẩy lùi các đề xuất 'chia sẻ công bằng' của EU, theo đó các nền tảng Big Tech sẽ chịu nhiều chi phí hơn cho các hệ thống giúp họ tiếp cận người tiêu dùng.

Cuộc đối đầu giữa Big Tech (hãng công nghệ lớn) và các công ty viễn thông của Liên minh châu Âu (EU) về việc ai sẽ chịu trách nhiệm tài chính cho cơ sở hạ tầng mạng là chủ đề thảo luận chính tại Mobile World Congress (MWC) - triển lãm công nghệ di động lớn nhất thế giới.

Hơn 80.000 người, bao gồm giám đốc điều hành công nghệ, nhà đổi mới và cơ quan quản lý, sẽ tham dự MWC năm nay tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha).

MWC là triển lãm công nghệ di động quốc tế hàng đầu được tổ chức hàng năm tại Barcelona. MWC là nơi các hãng công nghệ di động hàng đầu trên thế giới trình diễn các sản phẩm mới nhất và công nghệ tiên tiến nhất trong ngành ĐTDĐ và các thiết bị di động khác.

Thierry Breton, người đứng đầu ngành công nghiệp EU, hôm 24.2 đã khởi động cuộc tham vấn kéo dài 12 tuần về các đề xuất "chia sẻ công bằng", theo đó các nền tảng Big Tech sẽ chịu nhiều chi phí hơn cho các hệ thống giúp họ tiếp cận người tiêu dùng.

Đại diện từ các công ty bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook) và Netflix dự kiến sẽ sử dụng MWC như một nền tảng để đẩy lùi các đề xuất của EU.

Các nhà cung cấp nội dung như Netflix, đã sắp xếp để Giám đốc điều hành Greg Peters gặp Thierry Breton tại hội nghị này, lập luận rằng các công ty của họ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Họ nói rằng việc trả thêm phí sẽ làm giảm đầu tư vào các sản phẩm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Ngược lại, các hãng viễn thông Deutsche Telekom, Orange, Telefonica và Telecom Italia đã tích cực vận động hành lang để Big Tech trả phí.

GSMA, hiệp hội đại diện cho hơn 750 nhà khai thác di động và là cơ quan tổ chức đằng sau MWC, đã đi đầu trong cuộc tranh luận.

John Giusti, Giám đốc điều hành của GSMA, cho biết: "Cuộc thảo luận về chia sẻ công bằng, hay cái mà đôi khi chúng ta gọi là khoảng cách đầu tư, sẽ là câu hỏi cơ bản".

Những người chỉ trích mô hình chia sẻ công bằng hoặc SPNP (Sending Party Network Pays) đã cảnh báo cái gọi là "thuế lưu lượng truy cập" có thể khiến các nền tảng hướng nội dung định tuyến dịch vụ của họ thông qua ISP (nhà cung cấp dịch vụ internet) bên ngoài EU.

Orange nói với Reuters rằng ngành viễn thông không đòi hỏi những đặc quyền trong các đề nghị của mình. Người phát ngôn Orange cho biết cuộc tham vấn của EU là "dấu hiệu tích cực đầu tiên" về việc bắt đầu một cuộc tranh luận.

Các hãng viễn thông EU nói: “Chúng tôi tranh luận về một khuôn khổ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ thương mại công bằng và bình đẳng, thừa nhận sự đóng góp trực tiếp của những gã khổng lồ công nghệ vào chi phí mạng”.

Tuy nhiên, các quy định sẽ khó triển khai và thực thi, Shahid Ahmed, theo Phó chủ tịch điều hành hãng viễn thông NTT và là cố vấn của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ.

Shahid Ahmed nói: “Chúng ta đã thấy một điều rất tương tự - cuộc tranh luận về tính công bằng trên mạng - đã được thực hiện ở Mỹ”.

Bảng quảng cáo GSMA trước thềm MWC 2023 ở Barcelona - Ảnh: Reuters

Bảng quảng cáo GSMA trước thềm MWC 2023 ở Barcelona - Ảnh: Reuters

Diễn ra từ ngày 27.2 đến 2.3, MWC cũng sẽ chứng kiến sự ra mắt sản phẩm mới từ các công ty bao gồm Huawei, Xiaomi, HMD Global, Honor và RealMe.

Các chủ đề nóng khác bao gồm tỷ lệ chuyển đổi sang 5G, đã làm thất vọng một số nhà điều hành, và các ứng dụng tiềm năng của các hệ thống generative AI như ChatGPT của công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ). "Mọi thứ trên sàn triển lãm MWC đều liên quan đến tương lai", John Giusti nói.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chia-se-cong-bang-cua-big-tech-la-tam-diem-cuoc-thao-luan-o-trien-lam-cong-nghe-di-dong-lon-nhat-193609.html