Chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về những sai phạm gần đây trong ngành y
Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế một cách bài bản và nên dừng ngay việc lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm cán bộ quản lý.
Bài học đau xót
Chỉ trong thời ngắn gần đây, liên tục các cán bộ y tế bị xem xét, kỷ luật, vướng vòng lao lý. Hầu hết các cán bộ vi phạm, bị kỷ luật đều là lãnh đạo, thậm chí từ các vị trí cao như lãnh đạo Bộ Y tế đến người đứng đầu các đơn vị trong ngành; nhiều người thậm chí còn thầy thuốc giỏi, có uy tín lâu năm, là chuyên gia đầu ngành. Đây là bài học rất đau xót, chưa bao giờ ngành y lại chịu nhiều tổn thất như hiện nay.
Đặc biệt vừa qua, vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có hàng loạt cán bộ y tế liên đới và phải chịu kỷ luật.
Hay trước đó là những vụ việc nghiêm trọng khác như: Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên quan đến vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả điều trị bệnh ung thư; Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và sau này là ông Nguyễn Quang Tuấn có liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng… là những tiếng chuông cảnh tỉnh về việc xa rời đạo đức ngành y, không vượt qua được những cám dỗ của lợi ích trước mắt.
Trao đổi về những sự cố vừa qua của ngành y tế, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Là cán bộ quản lý cũ của ngành y tế, chúng tôi rất buồn vì tình trạng những người trong ngành, từ lãnh đạo cấp cao phạm phải khuyết điểm. Khuyết điểm đó trước hết là do nguyên nhân chủ quan, đó là việc thiếu rèn luyện của cán bộ y tế; nhất là cán bộ có chức, có quyền. Khi có chức có quyền, người cán bộ cần phải nghĩ đến việc vị trí ấy có thể khiến mình càng có nhiều nguy cơ phạm khuyết điểm, nhiều nguy cơ lợi dụng chức quyền để vi phạm chứ không nên nghĩ rằng khi có chức quyền là thuận lợi hoàn toàn. Tôi cho rằng nguyên của các sai phạm vừa qua là do một số cán bộ đã thiếu bản lĩnh rèn luyện trong nền kinh tế thị trường".
Clip GS.TS Phạm Mạnh Hùng nói về công tác quản lý của ngành y tế:
Chưa quan tâm đến đào tạo cán bộ quản lý
Cũng theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ chính bản lĩnh của người cán bộ y tế, có một số nguyên nhân khách quan dễ dẫn tới các sai phạm. Trong đó quan trọng nhất là việc chúng ta chưa phân biệt rõ vấn đề quản lý và chuyên môn.
Không phải ai có chuyên môn giỏi cũng làm quản lý tốt. Đơn cử, như trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và từng là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trước đây), nếu để người thầy thuốc ấy làm chuyên môn thì tốt hơn rất nhiều, sẽ có bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch được cứu chữa; nhưng vì lên vị trí giám đốc, tham gia làm đấu thầu nên đã vướng vòng lao lý.
“Ngành y có nhược điểm từ lâu là coi nhẹ công tác quản lý và không đào tạo công tác quản lý cho cán bộ y tế. Trong khi ở các nước, vấn đề này rất được quan tâm; trước khi được bổ nhiệm làm quản lý phụ trách chức vụ nào đó, họ cũng đều phải qua những lớp đào tạo về quản lý. Quản lý là vấn đề khoa học; trong đó có quản lý con người, vấn đề xây dựng tổ chức, vấn đề quản lý tài chính, quản lý kế hoạch… Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của ngành y tế là lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm quản lý. Bản thân tôi, vì có thành tích trong lĩnh vực ghép tạng nên tôi được đưa vào vị trí Thứ trưởng mà không được đào tạo một ngày nào về quản lý. Thậm chí, lúc đó tôi cũng không biết đấu thầu là gì, chưa hiểu về đồng đô la, nhưng tôi lại phụ trách tài chính y tế. Điều này rất dễ dẫn tới khuyết điểm. Cán bộ không được đào tạo chính là chúng ta đang coi nhẹ công tác quản lý”, GS.TS Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn chia sẻ.
Theo đó, đã có thời điểm Bộ Y tế giải tán Trường Quản lý y tế (trường này trước đây nằm ngay cạnh Bộ Y tế). Tuy gần đây đã có ngành Tổ chức và Quản lý y tế nhưng thực tế vẫn không mạnh và chưa chú tâm vào việc đào tạo cán bộ quản lý.
“Việc cần thiết hiện nay là cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế một cách bài bản và nên dừng ngay việc lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm cán bộ quản lý. Không phải cứ Giáo sư mới lên được chức Bộ trưởng, Thứ trưởng. Thậm chí, ở nhiều nước, trong một Bệnh viện có 2 giám đốc, một giám đốc chuyên phụ trách quản lý, là nhà đào tạo quản lý, thậm chí kinh doanh; còn người giám đốc chuyên môn chỉ phụ trách về chuyên môn; còn chúng ta đang nhập 2 vai trò với nhau nên đã xảy ra những chuyện như vừa qua. ”, GS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.