Chia sẻ cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Trẻ em bị khuyết tật, mồ côi cha hoặc mẹ,... đã phải sớm chịu những thiệt thòi. Các em rất cần sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của các cấp, các ngành và toàn xã hội để có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

1. Trong một ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo đoàn công tác của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh về ấp 6, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, thăm, tặng quà em Phạm Thị Thúy Hằng (SN 2015). Nhìn gương mặt mũm mĩm dễ thương của em, nếu bà Trần Thị Lập (bà ngoại Thúy Hằng) không nói, mọi người cũng khó nhận ra Thúy Hằng là trẻ khuyết tật.

Bà Lập kể: “Con gái tôi sinh Thúy Hằng lúc mang bầu mới 7 tháng. Do sinh non, cháu được các bác sĩ đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, sau đó gia đình nhận được thông báo cháu bị não úng thủy và bệnh tim. Thương con, thương cháu, tôi quyết định nghỉ việc, lấy hết số tiền dành dụm để cùng con gái chạy chữa thuốc men và chăm sóc Thúy Hằng. Cháu được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, đến 8 tháng tuổi bắt đầu mổ não, đến 3 tuổi thì được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động kinh phí mổ tim. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu ngày càng cải thiện, giờ đã học lớp 1 và học rất giỏi”.

Em Hằng mồ côi mẹ, sống nhờ tình thương của ông bà ngoại

Em Hằng mồ côi mẹ, sống nhờ tình thương của ông bà ngoại

Sớm chịu nhiều thiệt thòi khi sức khỏe không như bao trẻ em khác, vậy mà cuối năm 2021, Thúy Hằng lại chịu thêm cảnh mồ côi mẹ. Ông Nguyễn Văn Ai (ông ngoại Hằng) nghẹn ngào nói: “Vợ chồng tôi sanh được 2 người con, mẹ cháu Hằng là con gái lớn. Tháng 10/2021, con gái tôi bị nhiễm Covid-19 rồi mất, chồng nó cũng bỏ đi biền biệt, để Thúy Hằng lại cho vợ chồng tôi chăm sóc. Vợ chồng tôi chỉ lo sau này mình lớn tuổi, đau yếu, không ai chăm sóc cháu”.

2. Đồng cảnh ngộ, bà Hồ Thị Gái (bà ngoại em Huỳnh Thị Quỳnh Như, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) cũng dành tình yêu thương đặc biệt cho cháu ngoại không may bị khuyết tật nghe nói. Bà Gái bộc bạch: “Con rể mất chưa được bao lâu thì con gái tôi lấy chồng khác. Thấy cháu không thể ở chung với cha dượng nên tôi mang Quỳnh Như về chăm sóc. Biết cháu mình thiệt thòi, tôi luôn dành hết tình yêu thương để bù đắp cho cháu. Nhiều lúc, tôi cũng muốn đưa Quỳnh Như đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật để đi học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu mãi vẫn không đi học được”.

Em Huỳnh Thị Quỳnh Như (khuyết tật nghe nói) được các cấp, các ngành động viên chia sẻ

Em Huỳnh Thị Quỳnh Như (khuyết tật nghe nói) được các cấp, các ngành động viên chia sẻ

Nhìn căn nhà “trống trước, trống sau”, trong nhà không có gì đáng giá và biết được hoàn cảnh gia đình Quỳnh Như, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng và thương cho đứa trẻ sớm chịu nhiều thiệt thòi. Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh - Đỗ Thị Hồng Phương chia sẻ: “Thời gian qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mong muốn chia sẻ, giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời giúp đỡ, tránh bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, tranh thủ vận động xã hội hóa để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng tốt, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Sớm chịu nhiều thiệt thòi nhưng các em luôn được sự yêu thương của ông bà, sự quan tâm của các cấp, các ngành. Và chính tình yêu thương, sự chia sẻ đó là “điểm tựa” giúp trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước vượt qua khó khăn./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chia-se-cung-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet-kho-khan-a139733.html