Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ một cửa và trợ giúp pháp lý

Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dịch vụ một cửa và trợ giúp pháp lý (TGPL), thông qua việc khảo sát những công tác này tại bốn tỉnh: Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, An Giang và Tây Ninh.

Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết: Thông qua những khảo sát, phỏng vấn trực tiếp và thông qua bảng hỏi, Hội đã đưa ra báo cáo khảo sát về cơ hội tiếp cận và sự hài lòng của người dân trong thực hiện dịch vụ một cửa và TGPL. Qua 4 địa phương được khảo sát, sự hài lòng của người dân về thái độ và chất lượng dịch vụ một cửa khá cao. Trong đó, 92.6% người dân đồng ý rằng cán bộ một cửa có thái độ thân thiện, lịch sự khi tiếp công dân.

Ninh Bình là địa phương triển khai có hiệu quả quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ một cửa, việc giải quyết thủ tục hành chính, theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình trong năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuận lợi, đúng thời hạn, quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cũng liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Năm 2019 đã cập nhật bổ sung 4.327 thông tin lý lịch tư pháp, cung cấp 3516 thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, TP trong cả nước theo quy định.

Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dịch vụ một cửa và TGPL để các dịch vụ này ngày càng hiệu quả hơn. Ảnh: T.F

Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dịch vụ một cửa và TGPL để các dịch vụ này ngày càng hiệu quả hơn. Ảnh: T.F

Còn theo đóng góp của ông Nguyễn Kim Tùng, PGĐ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế thì, để việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, các cấp ngành liên quan phải sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, mô hình liên thông quy trình xử lý các dịch vụ hành chính công, đặc biệt là nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực chính sách người có công, các chứng chỉ hành nghề... Đồng thời hạn chế cát cứ dữ liệu ở một số các Bộ, ngành, áp dụng đồng bộ công tác một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Mặc dù có những tiến bộ, tuy nhiên, khi tiếp cận dịch vụ nột cửa, nhiều người dân cũng cảm thấy có những khó khăn như: Không biết rõ quy trình thực hiện (74% số người được hỏi); Không biết thực hiện bằng hình thức điện tử (56%); Đi xa (32%); Thủ tục hành chính phức tạp (10%).

Đối với công tác TGPL, mặc dù những năm gần đây, tổng số người, tổng số vụ việc được TGPL đều tăng ở các địa phương, tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều rào cản. Ông Phan Văn Hùng, GĐ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh An Giang chia sẻ: Nhận thức của người dân và một số địa phương (cấp xã) về hoạt động TGPL Nhà nước vẫn còn hạn chế, chưa có sự quan tâm đúng mức về nguồn kinh phí, nhân lực; Đối tượng TGPL còn bó hẹp trong khuôn khổ của Luật TGPL và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong khi thực tế những người cần TGPL lại rộng hơn, nhất là những người nghèo,mới ra tù, không biết chữ… lại không thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Hoạt động thông tin truyền thông về chính sách TGPL nhất là trong hoạt động tố tụng vẫn còn hạn chế.

Trung tâm TGPL Nhà nước tại tỉnh Tây Ninh lại có những kinh nghiệm chia sẻ về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho trẻ em rất đáng quan tâm. Cụ thể là khi tham gia bào chữa cho người được TGPL trong các vụ án, vụ việc có liên quan đến trẻ em, các trợ giúp viên pháp lý phải thực sự lắng nghe, sẻ chia, để các cháu không có tâm lý e dè, sợ sệt, phải là chỗ dựa tinh thần cho các cháu, đồng thời có sự trao đổi kỹ lưỡng với người nhà các cháu để tìm hiểu những nguyên nhân, hoàn cảnh, qua đó mới hiểu và TGPL cho các em hiệu quả được.

Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam nhận định: Qua khảo sát người dân về các dịch vụ một cửa, các hoạt động TGTL tại bốn tỉnh có thể nhận thấy: Đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội rất cần được trợ giúp về thủ tục hành chính, TGPL những vấn đề liên quan. Nhưng công tác truyền thông để họ được biết về các dịch vụ này vẫn còn chưa tốt. Có nhiều người dân không biết về bộ phận một cửa. Còn đối với công tác TGPL, phải làm sao mà chúng ta hỗ trợ được người dân thực sự có hiệu quả, sát với hoàn cảnh thực tế, giải quyết được vấn đề chứ không chỉ nói theo Luật. Bởi nếu TGPL cho người dân mà chỉ nói theo Luật, thì người dân hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin trên mạng, không cần tư vấn viên. Quan trọng là với một vụ việc cụ thể, phải hướng dẫn họ quy trình, giải quyết những khâu vướng, để vụ việc đó có hiệu quả. Như thế, người dân mới thực sự tin, và cần đến những trợ giúp viên pháp lý.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chia-se-kinh-nghiem-nang-cao-chat-luong-dich-vu-mot-cua-va-tro-giup-phap-ly-171852.html