Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất

Cục Hải quan Việt Nam và Cục C04 (Bộ Công an) có những chia sẻ quý báu trong công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất tại sự kiện diễn ra ở Quảng Bình.

Sáng 20/6, Cục Hải quan Việt Nam tổ chức Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất năm 2020 tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Đại diện 12 chi cục thuộc Cục Hải quan và đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) đã tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất năm 2025 tổ chức tại Quảng Bình. (Ảnh: Quốc Bình)

Toàn cảnh Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất năm 2025 tổ chức tại Quảng Bình. (Ảnh: Quốc Bình)

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan - cho rằng, tình hình tội phạm ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và tiền chất, tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm và khó lường trên cả phạm vi toàn cầu, khu vực và trong nước. Báo cáo của UNODC và các tổ chức phòng chống ma túy quốc tế đều nhấn mạnh, Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Tam giác vàng, đang trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới. Các đường dây xuyên quốc gia lợi dụng các quốc gia có chính sách mở cửa kinh tế, thương mại, trong đó có Việt Nam, để vận chuyển, trung chuyển, hợp pháp hóa ma túy và tiền chất.

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan - phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quốc Bình)

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan - phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quốc Bình)

Ở trong nước, hàng loạt vụ án lớn được triệt phá trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ phát hiện 1,4 tấn ketamin và 80 tấn hóa chất tại Khánh Hòa hồi tháng 3/2025 liên quan đến nhiều người nước ngoài và trong nước, cho thấy tội phạm ma túy chuyển hướng sang sản xuất quy mô công nghiệp ngay tại nội địa, sử dụng nhiều loại hóa chất hợp pháp, tiền chất, thuốc thú y, thuốc gây nghiện trong chuỗi sản xuất.

Trước tình hình đó, lực lượng Hải quan - với vai trò là tuyến đầu trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu đã và đang nỗ lực nâng cao năng lực kiểm soát, hiện đại hóa thiết bị nghiệp vụ, tăng cường phân tích rủi ro, xác định trọng điểm, đặc biệt là trên các tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và đường bộ trọng điểm phía Nam, Tây Nam Bộ và Bắc Trung Bộ.

Hội nghị có sự tham gia của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an Quảng Bình, Quảng Trị và Cục C04 (Bộ Công an). (Ảnh: Quốc Bình)

Hội nghị có sự tham gia của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an Quảng Bình, Quảng Trị và Cục C04 (Bộ Công an). (Ảnh: Quốc Bình)

Chi cục Điều tra chống buôn lậu, với vai trò là đơn vị chủ trì, có nhiều tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện hàng loạt chuyên án đấu tranh lớn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ đội Biên phòng, và các lực lượng phòng chống ma túy địa phương. Các Chi cục Hải quan khu vực cũng có nhiều mô hình hay, phương thức kiểm soát hiệu quả, góp phần khẳng định vị thế của ngành Hải quan trong nỗ lực chung phòng, chống tội phạm ma túy.

"Tuy nhiên, thực tế vẫn đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc từ việc kiểm soát hóa chất, tiền chất trong hoạt động thương mại hợp pháp, đến năng lực điều tra, giám định, truy xuất nguồn gốc hóa chất ma túy; thiếu đồng bộ trong cơ chế phối hợp liên ngành, đến hạn chế trong tiếp cận thông tin từ các hệ thống khai báo, vận chuyển quốc tế...", Phó Cục trưởng Cục Hải quan Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Đặng Văn Đức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra Chống buôn lậu (Cục Hải quan) - cho hay, theo số liệu thống kê, theo dõi các vụ việc về ma túy của ngành Hải quan, từ 15/12/2024 đến 15/5/2025, lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp các lực lượng chuyên trách, phòng chống tội phạm về ma túy bắt giữ 76 vụ/83 đối tượng. Trong đó, cơ quan Hải quan chỉ trì 31 vụ; Công an 33 vụ; Bộ đội Biên phòng 12 vụ. Tổng số ma túy thu giữ gần 1,9 tấn ma túy các loại (nhiều hơn 85% so với tổng số ma túy thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2024).

Ông Đặng Văn Đức chia sẻ những thủ đoạn, phương thức mới của tội phạm ma túy sử dụng trong năm 2025. (Ảnh: Quốc Bình)

Ông Đặng Văn Đức chia sẻ những thủ đoạn, phương thức mới của tội phạm ma túy sử dụng trong năm 2025. (Ảnh: Quốc Bình)

"Phương thức, thủ đoạn của các tội phạm ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác kiểm soát phá án. Phương thức, thủ đoạn mới mà tội pham ma túy thường sử dụng trong năm 2025 là cất giấu trên xe khách, trong thùng carton, ghế ngồi, lốp xe, thực phẩm đóng gói như chè khô, măng ớt... Chất ma túy trong thực phẩm (bánh kẹo, mắm tôm, bò khô), mỹ phẩm, đồ khô, thớt gỗ, sáp nến... Giả danh hàng biếu tặng, cargo thông thường, mở tờ khai mậu dịch H11/H21. Sử dụng công nghệ cao trong điều hành, vận chuyển thông qua các ứng dụng có độ bảo mật cao...", Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra Chống buôn lậu (Cục Hải quan), chia sẻ.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Cục Hải quan Việt Nam, đại diện Cục C04 (Bộ Công an) cho rằng, tội phạm ma túy hoạt động với các thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất.

"Các đối tượng tội phạm ma túy thường lập sử dụng mạng xã hội như Telegram rất khó khăn cho công tác thu thập thông tin, tài liệu có liên quan. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu là người nước ngoài và từ nước ngoài chỉ đạo trong nước, thay hết lớp đối tượng này đến lớp đối tượng khác ở trong nước để điều hành hay đối tượng bị truy nã rồi trốn sang nước ngoài cũng gây nhiều khó khăn...

Hội nghị trình chiếu phóng sự về công tác phòng, chống ma túy. (Ảnh: Quốc Bình)

Hội nghị trình chiếu phóng sự về công tác phòng, chống ma túy. (Ảnh: Quốc Bình)

Tội phạm ma túy hiện nay cũng có tổ chức rất chặt chẽ, phân công, phân tuyến...Trong quá trình giao dịch, các tội phạm ma túy sử dụng đồng tiền ảo, không truy vết được, không định danh được... Các đối tượng cũng nghiên cứu rất kỹ các danh mục tiền chất, chất ma túy... Cứ thấy danh mục nào có chất cấm thì tội phạm ma túy lại nghĩa ra chất khác để đối phó...", đại diện Cục C04 chia sẻ.

Theo đại diện Cục C04 Bộ Công an, bài học kinh nghiệm trong quá trình phòng, chống ma túy là lãnh đạo quan tâm sát sao là yếu tố thành công. Đồng thời, sự phối hợp giữa các lực lượng cũng rất quan trọng. Trong các vụ việc sử dụng các biện pháp cả công khai và bí mật, việc đảm bảo các yêu cầu bí mật là tối quan trọng vì tội phạm ma túy chỉ cần thấy manh nha một điều gì đó làm chúng không yên tâm thì chúng sẵn sàng xóa mọi thứ. Thời gian, thời điểm phá án là yếu tố quyết định với sự thành bại của chuyên án....

Nguyễn Vương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chia-se-kinh-nghiem-phong-chong-ma-tuy-va-kiem-soat-tien-chat-ar949951.html