Chia sẻ kinh nghiệm thành công khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Ngày 18-10, tại quận Bắc Từ Liêm diễn ra Hội nghị tọa đàm 'Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh'.
Hội nghị nằm trong chuỗi tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội và Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tổ chức tại nhiều quận, huyện nhằm đánh giá quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian qua, đồng thời tiếp tục tìm kiếm giải pháp để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hội nghị thu hút 15 ý kiến tham luận về cách làm và kinh nghiệm trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…
Các đại biểu đại diện chính quyền, đoàn thể và gia đình văn hóa tiêu biểu các quận, huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Đống Đa, Sơn Tây, Hoài Đức, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm… đã cùng chia sẻ những ý kiến về vai trò của gia đình cũng như cách xây dựng gia đình văn hóa trong thời hiện đại; việc xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, cách ứng xử trong gia đình; giải pháp lan tỏa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) Sái Thị Hường cho biết, tổ chức Hội phụ nữ đã tập trung vào các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, văn hóa ứng xử, truyền thông lưu động tuyên truyền bình đẳng giới; các buổi sinh hoạt tổ phụ nữ trẻ về chủ đề xây dựng cuộc sống gia đình trẻ, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu; hướng dẫn các chi hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các buổi mít tinh kỷ niệm, sinh hoạt chi, tổ hội, tham quan về nguồn…
“Thời gian tới, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyên trang, chuyên mục trên các nền tảng xã hội nhằm tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gia đình điển hình trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử để ngày càng có nhiều gia đình tiêu biểu về thực hiện các tiêu chí”, bà Hương chia sẻ.
Trong khi đó, ông Chung Văn Bình, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm đề xuất, phải tranh thủ sự hỗ trợ và phối hợp của các gia đình, dòng họ có truyền thống văn hóa, có nền nếp gia phong để tuyên truyền, là tấm gương cho các gia đình khác tham khảo và học hỏi. Thường xuyên lồng ghép 5 nội dung của Bộ tiêu chí vào sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt Bộ tiêu chí; đồng thời khích lệ động viên những gia đình, cá nhân có nhiều sự đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền lan tỏa thực hiện bộ tiêu chí này.
“Cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở phải có sự quan tâm sâu sát, phối hợp với các hội, đoàn thể chính trị xã hội, đưa việc thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí vào nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa hằng năm, có đánh giá kết quả thực hiện, phân loại từng gia đình về mức độ thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử để có biện pháp triển khai thực hiện trong năm tiếp theo”, ông Bình kiến nghị.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai thí điểm trên nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.
Với nhiệm vụ này, Hà Nội đã chọn làm điểm đợt đầu (năm 2019) tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì, sau đó tiếp tục nhân rộng tại 5 xã, phường, thị trấn khác thuộc 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất vào năm 2021.
Từ năm 2022, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội thúc đẩy nhân rộng việc triển khai Bộ tiêu chí trên toàn thành phố.