Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật

Sáng nay 9/4/2021, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.

 Các đại biểu lắng nghe chia sẻ về những kết quả đáng mừng từ mô hình nhà trung chuyển - Ảnh: Q.H

Các đại biểu lắng nghe chia sẻ về những kết quả đáng mừng từ mô hình nhà trung chuyển - Ảnh: Q.H

Nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật là mô hình thuộc Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do USAID tài trợ thông qua ACDC, được triển khai tại 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Cùng với đối tác, ACDC đã thiết lập mô hình nhà trung chuyển tại các bệnh viện phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng của bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện trong vùng dự án nhằm giúp người khuyết tật cải thiện sức khỏe, tăng cường khả năng sống độc lập.

Tại Quảng Trị, nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật được xây dựng tại Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Sau hơn 1 năm vận hành, mô hình nhà trung chuyển đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc giúp người bệnh, người khuyết tật làm quen, thích nghi với cuộc sống trước khi trở về với gia đình, cộng đồng sau quá trình phục hồi chức năng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ sâu về thực tiễn triển khai mô hình nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật tại địa phương, đơn vị mình. Với sự vào cuộc tâm huyết, trách nhiệm của các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, mô hình nhà trung chuyển đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng.

Qua sử dụng nhà trung chuyển, ngoài phục hồi chức năng, người khuyết tật còn được làm quen với môi trường sống thực tế trước khi trở về với gia đình. Nhiều người có thể tự di chuyển, chuẩn bị bữa ăn, tắm rửa, vệ sinh, đọc sách... Một số kinh nghiệm được rút ra trong quá trình vận hành nhà trung chuyển như: Cần lựa chọn địa điểm, thiết kế, trang thiết bị phù hợp; đội ngũ hỗ trợ người khuyết tật phải là những người giàu kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt phải thực sự tâm huyết; người khuyết tật không chỉ cần phục hồi chức năng mà còn cần được hỗ trợ để có được tinh thần vững vàng...

Với sự thống nhất cao, các đại biểu tham gia hội nghị đề nghị nhân rộng mô hình nhà trung chuyển chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Theo nhiều đại biểu, nếu được xây dựng trong bệnh viện, nhà trung chuyển sẽ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, tạo nguồn thu tốt cho bệnh viện. Các đại biểu đề nghị Bộ Y tế, đơn vị liên quan xây dựng quy trình vận hành nhà trung chuyển một cách thống nhất và thông qua quy trình này tại các bệnh viện tuyến tỉnh; có các văn bản chỉ đạo, phê duyệt quy trình thực hiện, vận hành các hạng mục tập luyện trong nhà trung chuyển; hướng dẫn chuyên môn và định danh các kỹ thuật thực hiện trong nhà trung chuyển...

Q.H

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=156726&title=chia-se-kinh-nghiem-trien-khai-mo-hinh-nha-trung-chuyen-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-khuyet-tat