Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL
Sáng 18-7, tại tỉnh Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo 'Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL'.
Chủ trì hội thảo có các ông: Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đây là hội thảo chuyên đề thứ 3 trong chuỗi 4 hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và các đô thị đại diện cho các vùng tổ chức để góp phần triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148-NQ/CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, phát triển đô thị chưa thực sự bền vững, theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị còn thấp.
“Hội thảo sẽ là cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị và mở ra khả năng học hỏi, áp dụng cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL của Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hội thảo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính sách quản lý rủi ro thiên tai và việc lồng ghép các chính sách này vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp; trao đổi về các thực hành cấp địa phương tại vùng ĐBSCL từ quy hoạch đến phát triển dự án dựa trên các kinh nghiệm của các địa phương, các chuyên gia; tăng cường nhận thức về văn hóa rủi ro và các thực hành có tính đổi mới trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Vùng ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh (là vùng chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông). Song đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới (một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng. ĐBSCL có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (Kiên Giang); TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau); TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng); TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP Cần Thơ.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định: “Liên minh châu Âu luôn cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng quỹ WARM, mục đích là để tài trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế có được từ các dự án này góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách theo lĩnh vực với Chính phủ Việt Nam”.
Về phần mình, ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam mong mỏi: “Việc chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia Pháp lần này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cấp địa phương của Việt Nam có được cái nhìn sâu và rộng hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt ngay tại chính địa phương của họ. Các trao đổi tập trung xoay quanh vấn đề quản lý rủi ro thiên tai, các mô hình và công cụ phát triển đô thị tương ứng với 3 khu vực miền núi, ven biển và ĐBSCL, các cách tiếp cận được ưu tiên trong bối cảnh đô thị phát triển mạnh mẽ và những điều chỉnh cần thiết của địa phương để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu”.