Chia sẻ nỗi lo, gia đình hạnh phúc

'Anh đón con giùm em nhé, nay em họp đột xuất nên về trễ!', chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) điện thoại cho chồng trước khi vào cuộc họp. Ở phía đầu dây bên kia, chị nghe rõ mồn một tiếng đồng nghiệp của chồng đang khích anh về 'lập lại trật tự gia đình', không được để vợ thành đạt ngoài xã hội như vậy chồng sẽ dễ bị lép vế!

Phụ nữ xứng đáng nhận được nhiều hạnh phúc từ sự nỗ lực của mình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phụ nữ xứng đáng nhận được nhiều hạnh phúc từ sự nỗ lực của mình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trách nhiệm với gia đình

Chị Ngọc làm phó phòng của một công ty kiểm toán ở quận 1 (TPHCM) vì vậy mà công việc rất bận rộn, họp hành liên miên. Công việc của anh Đông (chồng chị Ngọc) chủ yếu làm giờ hành chính, các con lại học gần nhà nên anh thuận đường đưa đón con hơn. Ngày thường, anh vẫn đón các con và phụ vợ làm việc nhà, nhưng thứ tư và thứ sáu hàng tuần, chị Ngọc nhận nhiệm vụ này để mẹ con có thêm thời gian tâm sự về chuyện trường, chuyện lớp.

Về phía anh Đông, thời gian đầu cũng bức xúc vì phải đón con, lo cơm nước. Thêm lời khích bác của bạn bè, anh cũng làm mình làm mẩy với vợ, thậm chí bắt chị Ngọc nghỉ việc ở nhà. Vì không muốn gia đình căng thẳng, chị Ngọc nghỉ một thời gian theo ý chồng.

Anh Đông rảnh rang hơn nhưng cũng từ đó, kinh tế của gia đình 4 miệng ăn, tiền học hành của con, tiền hiếu hỉ… khiến anh stress, dù có nhận làm thêm việc nhưng lúc nào cũng bí bách, thiếu trước hụt sau. Nhìn chồng bơ phờ vì áp lực kinh tế, chị Ngọc xin đi làm lại, còn anh Đông tự nguyện nhận nhiệm vụ đưa rước con đi học, phụ vợ việc nhà và bỏ ngoài tai những lời khích bác.

Thời trước, trong gia đình, vị trí của người phụ nữ vẫn gắn liền với căn bếp và bắt chết với suy nghĩ “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Song, với sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu ngày càng cao của mỗi gia đình, một mình người đàn ông “xây nhà” sẽ rất chật vật.

Anh Vũ Văn Khoa (ngụ quận 4, TPHCM) khẳng định, ở thời đại này, một mình người đàn ông đi làm thì gánh nặng về kinh tế trong gia đình là rất lớn. Không nói đâu xa, lương của anh Khoa thuộc tốp khá so với mặt bằng chung nhưng để chu toàn cho gia đình với 2 con ăn học thì cũng rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Từ khi vợ anh đi làm, kinh tế gia đình phần nào bớt áp lực hơn.

Dù không phải cùng chồng gánh vác kinh tế, nhưng con vừa đủ tuổi đi nhà trẻ, chị Đào Hồng Lan (ngụ quận 12, TPHCM) cũng xin việc đi làm lại. Gia đình khá giả, nhiều người khuyên chị ở nhà chăm con cho nhàn nhưng tính chị Lan xưa nay luôn thích tự chủ, muốn được chia sẻ với chồng, được làm việc và học hỏi. Dù đi làm nhưng đối với gia đình, chị vẫn là người mẹ khéo chăm con, người vợ chu đáo, biết vun vén cho gia đình.

“Phụ nữ thời nào cũng vậy, nếu không cùng gánh vác với chồng và tự chủ thì sẽ thiếu tự tin ngay trong tổ ấm của mình. Vì vậy bên cạnh thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, tôi nghĩ mình nên ra ngoài, có thể mệt mỏi hơn, áp lực hơn nhưng đổi lại cuộc sống gia đình cũng có thêm nhiều gia vị đáng trải nghiệm”, chị Lan bộc bạch.

Thích ứng với thời đại

Xã hội mở với hàng loạt công việc cần đến người phụ nữ, bởi vậy mà chị Nguyễn Bích Vân (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng, phụ nữ thời nay không hề “vùng lên” mà họ ngày càng thích nghi và đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng cũng không quên thiên chức của mình. Chị đưa ra ví dụ về những người phụ nữ là doanh nhân thành đạt nhưng phía sau công việc, họ vẫn chăm con như những bà mẹ bỉm sữa bình thường khác, vẫn vẹn toàn việc nhà.

Anh Vũ Văn Khoa cũng thừa nhận, xã hội vẫn có cái nhìn khắt khe với người phụ nữ hơn khi so sánh việc họ làm ngoài xã hội với việc trong nhà mà không nhìn thấu đáo đồng thời cả 2 công việc ấy. Anh Khoa băn khoăn: “Tôi không hiểu sao người ta sợ phụ nữ ra xã hội rồi thành đạt này kia, chẳng phải khi cưới vợ, cưới dâu, ai cũng muốn lấy người nhanh nhẹn, thông minh, có công việc ổn định. Vậy sao khi họ có vị trí ngoài xã hội thì lại sợ bị lép vế?” Rõ ràng, người phụ nữ đi làm thì ít nhiều phải bớt đi một phần thời gian dành cho gia đình, vì vậy khi ai đó có suy nghĩ phụ nữ đang “vùng lên” thì liệu có quá áp đặt cho họ?

Chuyên gia tâm lý Vũ Hồng Nhung phân tích thêm, trước đây công việc ít, thường là những công việc lao động chân tay nặng nhọc, chỉ đủ để cánh đàn ông đi làm, còn phụ nữ yếu ớt hơn thì ở nhà. Còn ngày nay, xã hội phát triển, kéo theo đó rất nhiều loại hình công việc mà người phụ nữ có thể tham gia được, do đó phụ nữ phải thích nghi. Hơn nữa, nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày cũng ngày càng cao, vì vậy người phụ nữ phải chia sẻ, gánh vác cùng chồng. Rõ ràng, phụ nữ thời nay vừa đảm đương công việc trong gia đình, vừa bươn chải ngoài xã hội, họ xứng đáng được tôn vinh và trân trọng thay vì có cái nhìn ác cảm và khắt khe với họ.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, cũng chỉ mong các ông chồng đừng nghĩ rằng phụ nữ “vùng lên” là điều gì ghê gớm lắm. Chẳng qua, đó là điều mà phụ nữ hiện đại cần phải làm, không chỉ vì họ, mà còn vì chính hạnh phúc bền vững của gia đình mình nữa.

THANH LY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chia-se-noi-lo-gia-dinh-hanh-phuc-649866.html