Chia sẻ thấm thía của hiệu trưởng trường chuyên với phụ huynh, học sinh lớp 10
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho hay một học sinh bình thường bước từ ngưỡng cửa THCS lên THPT sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Với các học sinh đỗ trường chuyên hay trường THPT top cao, các em còn có những khó khăn khác.
Mới đây, trong buổi chào mừng các bậc phụ huynh và tân học sinh trường Chu Văn An, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội) đã có những chia sẻ gửi tới học sinh và phụ huynh trước khi các em chính thức bước vào môi trường mới.
Gửi lời tới học sinh, cô Nhiếp cho hay, khi việc trở thành học sinh trường Bưởi là một cột mốc đáng nhớ, nhưng đây không phải đích đến mà là bước khởi đầu cho một hành trình mới.
“Ba năm tới là khoảng thời gian quan trọng để các con định hình tương lai. Ngôi trường sẽ là điểm tựa vững vàng để các con lớn lên cả về trí tuệ và tâm hồn”, cô nói.
Theo nữ hiệu trưởng, một học sinh khi bước từ ngưỡng cửa THCS lên THPT có rất nhiều khó khăn sẽ phải trải qua. Đó là khó khăn của trường mới, bạn mới và thầy cô mới, phương thức học mới cùng lượng kiến thức lớn. Và quan trọng hơn cả là tâm sinh lý lứa tuổi ở độ tuổi này có nhiều biến đổi, trong khi cám dỗ ở bên ngoài xã hội rất lớn.
Với học sinh cảm thấy lo lắng, áp lực khi bước vào ngôi trường mới, cô Nhiếp cho rằng, nếu xác định được mục tiêu, học trò sẽ cảm thấy mỗi ngày đi học đều là một ngày hào hứng, không có gì căng thẳng đến mức áp lực, mất tinh thần. Vì thế, việc học trò cần làm lúc này là tin tưởng vào bản thân, coi áp lực là động lực, bởi “mọi con đường dễ dàng đều là đường đi xuống”.
Với những học sinh đỗ trường chuyên hay các trường THPT top cao còn gặp những khó khăn riêng. Nhiều em ngủ quên trên chiến thắng, xem việc đỗ vào trường chuyên “rất đỉnh và đã cán đích”, từ đó trượt dài suốt học kỳ I năm học lớp 10, khiến lực học không thể cứu vãn cho những năm tiếp theo.
“Từ tự tin biến thành tự ti, học sinh sẽ trở nên chán học. Điều này rất nguy hiểm vì học trò có thể sẽ mất đà học tập và cầu tiến”, cô Nhiếp nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội).
Ngoài ra, với những học sinh đỗ chuyên, nhiều phụ huynh hay chính các em còn đặt ra cho mình những mục tiêu gắt gao như phải đứng top đầu lớp như thời THCS, phải đạt điểm số xuất sắc... trong khi năng lực của học sinh THPT khác nhiều so với cấp THCS.
Khi không xếp hạng top đầu như mong muốn, chính phụ huynh lại mắng mỏ, dằn hắt con, khiến trẻ ám ảnh vì không đạt được điểm cao. Theo cô Nhiếp, điều phụ huynh cần làm lúc này là đồng hành, giải tỏa áp lực cho con. Nếu không giảm áp lực, rất có thể sẽ dẫn tới việc con bị trầm cảm.
Chọn nghề trước hay chọn trường trước?
Để chuẩn bị hành trang tốt nhất và đồng hành cùng con trên hành trình THPT, theo cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, phụ huynh cần phải hiểu để làm nghề tốt thì phải học nghề tốt. Muốn học nghề tốt phải chọn nghề cho đúng. Học đại học, sau đại học chính là học nghề, và cấp THPT chính là giai đoạn chọn nghề.
Do đó ngay từ bây giờ, phụ huynh và nhà trường cần phải đồng hành, tìm cách kết nối, định hướng cho học sinh biết sau này các em định làm nghề gì, nghề đó có phù hợp với mình hay không và khuyến khích trẻ tìm hiểu về các ngành nghề ấy.
“Cho dù năm lớp 10, học sinh nói thích làm bác sĩ, năm lớp 11 lại muốn trở thành doanh nhân, điều đó cũng không sao cả. Điều sợ nhất là các em không biết mình thích gì và muốn làm gì.
Tôi rất sợ khi hỏi phụ huynh ‘Con bác muốn làm nghề gì?’, rất ít phụ huynh trả lời được con muốn làm nghề này, nghề kia mà hầu hết đều trả lời rằng ‘Cháu muốn học trường này, trường kia’”, cô Nhiếp nói.
Nữ hiệu trưởng cho hay đây là tư duy sai, bởi phải chọn nghề trước. Ngành nghề ấy được đào tạo ở những ngôi trường nào, từ đó khoanh vùng và chọn đúng với khả năng, sở thích của con.
“Nếu trẻ đam mê mãnh liệt với ngành nghề nào đó thì rất tốt, dẫu để trẻ có đam mê một ngành cụ thể nào trong những năm cấp 3 là rất khó. Nhưng ít nhất, học sinh phải biết mình muốn gì, thích gì hay có năng lực ở lĩnh vực nào”, cô Nhiếp nói.
Sau khi chọn được trường hướng tới, học sinh phải biết trường đó có các phương thức tuyển sinh nào, từ đó giúp các em vững tâm chuẩn bị hành trang trong 3 năm cấp THPT như chuẩn bị học bạ tốt, đặc biệt là lớp 12; chú trọng 2 môn Toán và Văn; chọn và đầu tư hai môn tự chọn từ lớp 10; đầu tư thêm các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT; tham gia các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…, sẵn sàng cho bậc đại học.