Chia sẻ thông tin tài chính sao cho an toàn?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Quyết định 999/QĐ-TTg), trong đó giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech (công nghệ tài chính) trong hoạt động ngân hàng.

Để tạo hành lang pháp lý cho các Fintech hoạt động và bảo vệ người dùng, trong tháng 5/2019 NHNN đã trình Chính phủ Đề án Sandbox. Đơn vị soạn thảo đề án lý giải mục tiêu nhằm hiện thực hóa các giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Điều này cũng được nêu rất rõ trong Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sandbox một thuật ngữ mới với tên đầy đủ Regulatory Sandbox áp dụng cho khu vực phi tài chính. Đây là một “khung điều chỉnh thử nghiệm” giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đổi mới sáng tạo của các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam đã có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Regulatory Sandbox phù hợp với thực tiễn thông lệ quốc tế để tiến tới việc ban hành khung pháp lý và quản lý chính thức.

Theo Vụ Thanh toán, DN tham gia Sandbox sẽ nộp đơn đăng ký với NHNN, tùy từng trường hợp cơ quan quản lý và DN sẽ thảo luận quyết định về phạm vi địa lý, hạn mức giao dịch, số lượng khách hàng tham gia dịch vụ và thời gian DN thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, DN có trách nhiệm báo cáo để Chính phủ giám sát đến khi hết thời gian thử nghiệm, khi mô hình thành công sẽ chính thức được áp dụng, góp phần hạn chế những rủi ro do thiếu quy định quản lý gây ra.

Mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech, theo ông Nghiêm Thanh Sơn là đảm bảo lợi ích cho người dùng, bên cạnh việc tạo khung pháp lý thúc đẩy cho DN đổi mới sáng tạo. Trong đó Sandbox là một trong những giải pháp hàng đầu trong xây dựng cơ chế quản lý nhà nước cùng với các bộ, ngành liên quan.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến thời điểm này đã có 150 công ty công nghệ tài chính được cấp phép hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: trung gian thanh toán, cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain, các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo – AI, dữ liệu lớn – bigdata… Đơn cử như lĩnh vực trung gian thanh toán được Luật Đầu tư xếp vào loại hình kinh doanh có điều kiện nên ngoài việc cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có thêm giấy phép của cơ quan quản lý tiền tệ.

Một chuyên gia thanh toán cho hay, dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng hiện mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên nền tảng công nghệ như thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ thiết yếu: điện nước, viễn thông... Chưa TCTD nào xây dựng được bigdata tạo ra một hệ sinh thái số cung cấp cho các hoạt động thương mại điện tử có chia sẻ thông tin cho bên thứ ba trong hoạt động kinh doanh dữ liệu khách hàng.

Trong khi, các DN Fintech hiện nay hoạt động chính vẫn là thanh toán. Theo đó có 30 tổ chức trung gian thanh toán đã có giấy phép hoạt động thì có đến 27 đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử đáp ứng thanh toán các món nhỏ lẻ đến người tiêu dùng; 26 cổng thanh toán điện tử, 26 tổ chức hỗ trợ thu chi hộ, 9 tổ chức chuyển tiền điện tử. Cùng với đó là hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng thời gian qua được ứng dụng công nghệ mới với tốc độ chóng mặt, ví như hiện nay trên thị trường đã có 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR Code) do 24 ngân hàng cung ứng, số liệu của Vụ Thanh toán.

Các chuyên gia công nghệ tài chính cho rằng, tuy đơn vị làm trung gian thanh toán nhiều, nhưng chưa công ty nào có quy mô lớn tạo đột phá như Tencent, WechatPay của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ quan sát của các nhà quản lý thì một số công ty Fintech trong nước đang có quá trình đầu tư rất lớn, hứa hẹn sẽ bước ra thế giới với quy mô tỷ USD trong 5 năm tới.

Quyết định 999/QĐ-TTg, cũng yêu cầu phải xây dựng một cơ chế chia sẻ thông tin hướng tới phải bảo vệ người dùng trong hoạt động kinh tế chia sẻ. Thực tế, không khó để nhận biết số điện thoại của người dùng đang bị bán cho các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, bảo hiểm, vận tải, hàng không, giáo dục… tùy tiện gọi điện bất cứ lúc nào. Thông tin dữ liệu cá nhân được coi như một nguyên liệu đầu vào để tổ chức kinh doanh, đòi hỏi các nhà xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế chia sẻ phải cụ thể hóa, thông tin chia sẻ tới mức nào và phải được sự đồng ý của người dùng.

Ví dụ, các tổ chức phát hành thẻ tín dụng hiện nay đang chia sẻ thông tin dữ liệu người dùng thẻ với các nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ trên thị trường để phát triển thương mại điện tử thanh toán phi tiền mặt. Các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán cho rằng, phải có khung pháp lý về chia sẻ thông tin rõ ràng, chia sẻ thông tin đến đâu và các nhà kinh doanh dữ liệu phải có trách nhiệm với khách hàng và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Hải Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chia-se-thong-tin-tai-chinh-sao-cho-an-toan-91735.html