Chia sẻ với doanh nghiệp Hải Dương sau bão lũ

Ngay sau khi bão số 3 đi qua, ngành ngân hàng và cơ quan thuế của Hải Dương đã khẩn trương liên hệ để tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau khi bão tan, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã khẩn trương khôi phục những khu vực nhà xưởng bị thiệt hại để tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh nhất có thể

Ngay sau khi bão tan, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã khẩn trương khôi phục những khu vực nhà xưởng bị thiệt hại để tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh nhất có thể

Nhà xưởng tan hoang

Sáng 18/9, tức 10 ngày sau khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua địa bàn tỉnh, công tác khắc phục thiệt hại tại Công ty TNHH Nhôm Quang Minh ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) vẫn đang rất khẩn trương. Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Mười, quản lý công ty, khoảng cuối buổi chiều 7/9 - hôm bão đổ bộ vào Hải Dương, anh Mười cùng một số anh em trong công ty trực bão thấy một dãy nhà xưởng bắt đầu nghiêng ngả trước sức quật của gió. Khoảng hơn 9 giờ tối hôm ấy, toàn bộ dãy nhà xưởng 3.000 m2 bị đổ sập hoàn toàn, đè bẹp gần như toàn bộ hàng hóa bên trong.

“Sức gió của cơn bão quá lớn, nhà xưởng lại rộng, nhiều hàng hóa, hơn nữa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân sự của công ty lúc đó nên chúng tôi không thể làm gì hơn. Anh em tự động viên nhau, rằng bão tan, mưa tạnh sẽ nhanh chóng dọn dẹp, khôi phục sản xuất sớm nhất có thể để sớm lấy lại gần 3 tỷ đồng thiệt hại mà bão số 3 đã cướp đi của chúng tôi”, anh Mười chia sẻ.

Công ty TNHH Nhôm Quang Minh ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) khẩn trương triển khai khắc phục nhà xưởng rộng 3.000 m2 bị sập, phấn đấu sớm phục hồi công suất

Công ty TNHH Nhôm Quang Minh ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) khẩn trương triển khai khắc phục nhà xưởng rộng 3.000 m2 bị sập, phấn đấu sớm phục hồi công suất

Gió giật từ cơn bão số 3 cũng thổi bay lớp mái tôn tòa nhà văn phòng, đánh sập hệ thống điện mặt trời, sập trần kho lạnh của Công ty TNHH Thắng Lợi ở phường Hải Tân (TP Hải Dương). Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của cả nước về chế biến và xuất khẩu lợn sữa đông lạnh. Cơn bão cũng khiến cơ sở ở Tứ Kỳ của doanh nghiệp này chịu tổn thất nặng nề khi phá hỏng hệ thống làm mát của khu chuồng nuôi nhốt cũng như gây mất điện cấp cho hệ thống kho lạnh.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, doanh nghiệp này đã huy động nhân lực khẩn trương dọn dẹp, khởi động máy phát điện để bảo đảm chất lượng hàng chục tấn hàng hóa lưu trong kho lạnh. “Ước tính thiệt hại sơ bộ của doanh nghiệp chúng tôi hơn 2 tỷ đồng. Những ngày qua, cả nhân viên công ty chúng tôi cũng như thợ cơ khí thuê ngoài đều tranh thủ từng phút để sớm hoàn tất công tác khắc phục thiệt hại. Chúng tôi không thể nản chí vì còn rất nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài, chủ yếu là từ Hồng Kông (Trung Quốc) đang chờ, rồi uy tín từ thương hiệu đã xây dựng 24 năm qua. Đặc biệt, chúng tôi phải bảo đảm công việc, thu nhập cho người lao động, những người đã cùng chúng tôi đồng cam cộng khổ vượt qua bao khó khăn”, ông Đinh Văn Chức, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết.

Không nản chí, quyết tâm vực dậy sớm nhất có thể là tinh thần chung của Công ty TNHH Thắng Lợi (TP Hải Dương)

Không nản chí, quyết tâm vực dậy sớm nhất có thể là tinh thần chung của Công ty TNHH Thắng Lợi (TP Hải Dương)

Tinh thần vững vàng, kiên định trước khó khăn, thiệt hại do bão số 3 gây ra cũng được lan tỏa đến tất cả người lao động của Công ty CP VTC Group ở Kinh Môn. Theo ông Phạm Ngọc Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này, bão số 3 đã gây thiệt hại sơ bộ hơn 30 tỷ đồng, chủ yếu từ nhà xưởng, hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng. “May mắn là nhân sự trong công ty được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Với phương châm còn người thì còn của, cùng với sự đồng hành của đối tác, trong đó có cơ quan thuế, ngành ngân hàng, chúng tôi tin rằng tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ nhanh chóng hơn”, ông Vũ nói.

Công ty CP VTC Group (Kinh Môn) cũng bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3

Công ty CP VTC Group (Kinh Môn) cũng bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3

Chung tay khôi phục

Ngay sau khi bão đi qua, các ngân hàng trong tỉnh đã liên hệ khách hàng, trong đó có nhóm khách hàng doanh nghiệp để nắm bắt thông tin ban đầu về thiệt hại. Chiều 12/9, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn về tình hình thiệt hại của ngân hàng và các khách hàng do bão số 3 gây ra.

Sau 5 ngày rà soát, theo số liệu báo cáo sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến 18 giờ ngày 17/9, ngành ngân hàng Hải Dương ghi nhận gần 1.550 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ bị thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.

Rất nhiều ngân hàng đã tích cực phối hợp cùng khách hàng để rà soát thiệt hại, từng bước xây dựng phương án hỗ trợ. Trong đó BIDV chi nhánh Hải Dương có gần 50 khách hàng bị thiệt hại với dư nợ thiệt hại 500 tỷ đồng. Sacombank chi nhánh Hải Dương có 30 khách hàng bị thiệt hại với dư nợ thiệt hại 241,6 tỷ đồng. Vietinbank chi nhánh Hải Dương có 75 khách hàng bị thiệt hại với dư nợ thiệt hại hơn 124 tỷ đồng. BIDV chi nhánh Thành Đông có 30 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ gần 102 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cùng đoàn công tác thăm một khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 chiều 16/9

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cùng đoàn công tác thăm một khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 chiều 16/9

“Ngay sau khi bão đi qua, lãnh đạo ngân hàng nơi chúng tôi vay vốn đã đến thăm, động viên và cam kết sẽ có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trước mắt phía ngân hàng sẽ rà soát, giảm lãi suất các khoản vay bị thiệt hại cũng như tính toán cho vay khoản mới mà không cần bổ sung thêm tài sản bảo đảm. Không riêng chúng tôi mà chính các ngân hàng cũng bị thiệt hại do cơn bão gây ra. Do vậy những giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng vừa thể hiện cam kết luôn đồng hành cùng khách hàng, vừa có giá trị thiết thực”, ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) chia sẻ.

Không riêng ngành ngân hàng, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại do bão số 3 gây ra với người nộp thuế, để chung tay hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau cơn bão, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế tỉnh đã khẩn trương rà soát các quy định về chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế.

“Ngày 13/9, Cục Thuế tỉnh đã có thư ngỏ kèm theo thông tin chi tiết gửi tới người nộp thuế; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương phổ biến chính sách tới người nộp thuế. Người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 gây ra cần chủ động chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét, giải quyết theo quy định”, ông Vũ Doãn Ngọc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết.

Quản lý thuế trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng do bão số 3 và mưa gây ngập úng, Chi cục Thuế TP Hải Dương đã chủ động chuyển tải các thông tin theo thư ngỏ của Cục Thuế tỉnh tới các doanh nghiệp, người nộp thuế.

Lực lượng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế của chi cục đã tiếp nhận và giải đáp online cũng như qua điện thoại hàng chục lượt thắc mắc, hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do bão, lũ. Các đội thuế quản lý trực tiếp cũng sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế hoàn thiện các thủ tục gia hạn, miễn, giảm thuế do bão lũ.

“Chúng tôi sẽ hướng dẫn, giải đáp trực tiếp trong hội nghị phổ biến chính sách thuế do chi cục tổ chức chiều 20/9/2024 tới tất cả các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai thuế. Lãnh đạo chi cục cũng phối hợp các cấp, ngành liên quan để hỗ trợ hoàn thiện thủ tục liên quan và có kế hoạch tiếp nhận, phê duyệt các đề nghị gia hạn, miễn, giảm thuế do bão lũ”, ông Vũ Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương nói.

LONG KIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chia-se-voi-doanh-nghiep-hai-duong-sau-bao-lu-393428.html